Kinh doanh xăng dầu: Hé lộ góc khuất

Chia sẻ với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn tiết lộ: Những năm gần đây, các doanh nghiệp ngoài ngành đổ xô ‘xin bằng được’ giấy phép để bước chân vào thế giới kinh doanh xăng dầu đầy sôi động.

Buôn lậu, bán xăng giả để kiếm sống

Theo vị này, việc doanh nghiệp tư nhân đua nhau nhảy vào kinh doanh xăng dầu, xuất phát từ những khoản lợi nhuận kếch xù đến từ những khoản tiền được ‘rửa’ hợp pháp thông qua chạy đua chiết khấu để tháo hàng, cho thuê kho chứa, cho thuê bồn bể, cầu cảng, mượn danh đại lý thương hiệu để đáp ứng đủ điều kiện mỗi khi cơ quan chức năng đi thanh, kiểm tra.

Thực tế cho thấy, tình trạng ‘không đủ điều kiện’ nhưng vẫn được cấp phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, cấp phép thương nhân phân phối đã được chính các đơn vị, các đoàn thanh tra của Bộ Công Thương phát hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, điều lạ là các doanh nghiệp dù bị phát hiện vi phạm nhưng vẫn ‘tai qua nạn khỏi’ sau các kỳ kiểm tra.

Cũng theo vị này, tình trạng ‘chạy’ giấy phép cũng nhằm mục đích tham gia các đường dây buôn lậu xăng dầu. Vụ án Trịnh Sướng cầm đầu đường dây sản xuất gần 200 triệu lít xăng giả hay như vụ án buôn lậu Dương Đông Hoà Phú cùng nhiều vụ buôn lậu với hàng trăm triệu lít xăng dầu cho thấy tình trạng xăng dầu lậu, xăng dầu giả đã kéo dài nhiều năm nay.

Có xăng giả, xăng dầu lậu cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh xăng dầu sẽ là những đơn vị tiếp tay cho việc lũng đoạn thị trường, trốn thuế với số tiền chênh lệch mỗi lít xăng dầu lên tới xấp xỉ 40%.

Công an Nghệ An triệt phá vụ buôn lậu xăng dầu tháng 3/2022 Ảnh: Công an nghệ an

Theo tiết lộ của vị này, với một giấy phép kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đầu mối có thể có đủ cách để kiếm tiền. Điển hình nhất, doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng mua bán xăng dầu với nước ngoài là được vay tiền với lãi suất rất thấp, thường dao động trong 5-6%, làm ăn nghiêm chỉnh thì chỉ với một tàu xăng dầu trị giá 25 - 35 triệu USD, sau kinh doanh cũng có lãi nhiều tỷ đồng.

Năm 2012, cả nước mới chỉ có 13 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu. Tới năm 2014, con số này tăng lên 18 đầu mối. Năm 2015, số doanh nghiệp đầu mối tăng lên 19. Đến tháng 8/2019, số doanh nghiệp đầu mối được cấp phép lên tới 32. Đến năm 2022, tổng số đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đã đạt tới con số 38 đơn vị.

“Tiền siêu lợi nhuận nằm ở việc doanh nghiệp sẽ “bán non’’thông qua tăng chiết khấu để thu tiền, thậm chí bán lỗ số xăng dầu nhập. Số tiền này chuyển sang lướt sóng bất động sản, cho vay nóng, kinh doanh lĩnh vực khác là lập tức thu siêu lợi nhuận vì nhiều doanh nghiệp phải sau 180 ngày mới phải thanh toán tiền mua xăng dầu. Còn nếu tham gia buôn xăng dầu lậu, một tàu xăng dầu cập mạn thành công là lập tức bỏ túi vài chục tỷ đồng. Còn làm xăng giả, tham gia các đường buôn lậu, lợi nhuận hằng năm lên tới nghìn tỷ đồng là hết sức bình thường. Chính vì vậy, trong ngành xăng dầu, chỉ cần nhìn vào số doanh nghiệp tư nhân có doanh thu tăng vọt từ một hai nghìn tỷ đồng lên cả chục nghìn tỷ đồng mỗi năm chỉ sau một thời gian ngắn là đủ hiểu vấn đề”, vị này chia sẻ.

Vi phạm đủ hình thức nhưng vẫn không bị làm sao?

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài tình trạng không đáp ứng đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp giấy phép, nhiều doanh nghiệp đầu mối và cả thương nhân phân phối còn có những độc chiêu biến hoá các hợp đồng để hợp thức việc qua mặt cơ quan chức năng sau mỗi kỳ kiểm tra.

Trong một báo cáo gần đây của Vụ Thị trường trong nước cho thấy, việc không tuân thủ kỷ luật, đáp ứng các quy định, điều kiện kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối tư nhân có tình trạng lặp đi lặp lại nhiều năm liền.

Cùng với đó, tình trạng phân giao hạn ngạch nhưng doanh nghiệp không thực hiện, thậm chí không nhập khẩu nhưng cũng vẫn bình yên vô sự. Báo cáo này cho thấy, năm 2020 có tới 15 doanh nghiệp đầu mối có tổng lượng phân giao nhập khẩu chỉ khoảng 500.000 m3/tấn và có 8 doanh nghiệp mức nhập khẩu và tổng nguồn không đạt lượng nhập khẩu và tổng nguồn đã được cơ quan quản lý giao.

Trong số này có các thương hiệu lớn như Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu.

Cá biệt trong 2 năm 2019 và 2020 có một số đơn vị như Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty Cổ phần Anh Phát Petro (Thanh Hoá), Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh, Công ty TNHH Hà Anh…

Cũng theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, năm 2022, qua kiểm tra cũng phát hiện nhiều doanh nghiệp đầu mối tiếp tục không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty Cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Không chỉ vi phạm về nhập khẩu xăng dầu, kết quả thanh tra của Bộ Công Thương công bố cách đây vài ngày cho thấy, có nhiều vấn đề về quản lý trong lĩnh vực xăng dầu. Nổi lên trong số các doanh nghiệp đầu mối có nhiều vi phạm là trường hợp của Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (TP. HCM); Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát (Quảng Bình); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hoà Khánh (Đà Nẵng), Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam (Hải Phòng); Công ty TNHH Trung Linh Phát; Công ty Cổ phần Phúc Lộc Ninh; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu Hải Dương.

Trong đó, Công ty Xuyên Việt Oil với các vi phạm bị chỉ đích danh: Năm 2021, Xuyên Việt Oil không đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối; gian lận trong kê khai đại lý. Công ty này cũng có hoạt động khó hiểu khi thanh lý hợp đồng với 37 đại lý xăng dầu ngay trong ngày được nâng cấp giấy phép lên thành doanh nghiệp đầu mối dù điều kiện quy định doanh nghiệp đầu mối để được cấp phép phải có 40 đại lý.

Trước sự khó hiểu này, Thanh tra Bộ Công Thương kiến nghị giao Vụ Thị trường trong nước chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong công tác thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và kiểm tra, giám sát việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Còn với trường hợp Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát, kết luận thanh tra cho thấy, công ty này chưa đáp ứng điều kiện về có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7.000 tấn thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng 5 năm trở lên.

Ngoài ra, công ty này có 7 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu, nhưng không có tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của công ty.

“Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu được quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ, không thực hiện đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ theo quy định”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Điều lạ là sau thanh tra đã cho thấy dù Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát không đáp ứng được điều kiện về cầu cảng chuyên dụng, thiếu số lượng về đại lý nhưng vẫn được cấp phép làm doanh nghiệp đầu mối.

Chưa kể công ty này còn mua bán xăng dầu từ 2 công ty con của doanh nghiệp đầu mối và 1 chi nhánh công ty con của doanh nghiệp đầu mối, vi phạm các quy định của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Công ty này cũng không thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng và hoạt động kinh doanh xăng dầu của tổng đại lý, đại lý trong hệ thống phân phối của mình.

Theo Phạm Tuyên/VNF

Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/kinh-doanh-xang-dau-he-lo-goc-khuat-a154242.html