NFT - Từ nổi bật của năm 2021
Nếu trong năm 2020, “lockdown” (phong tỏa) được Từ điển Collins chọn là “Từ của năm” thì bước sang năm 2021, “NFT” đã vượt qua các chủ đề nóng như “Covid-19”, “Crypto” (tiền mã hóa) và “Metaverse” (vũ trụ ảo) để trở thành từ dành được nhiều sự quan tâm nhất. Theo định nghĩa trong Từ điển Collins, NFT là “một chứng chỉ kỹ thuật số duy nhất được đăng ký trong một chuỗi khối (blockchain), được sử dụng để ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ sưu tầm”.
Nhờ vào bản chất an toàn của công nghệ blockchain, NFT đại diện cho một tài sản duy nhất, không thể thay thế, không thể sao chép hay làm nhái. Do đó, các nhà đầu tư NFT có thể thu giá trị từ sự độc nhất này, tương tự như việc mua bán các món hàng sưu tầm. Với những tính năng này, nhiều người xem NFT là tương lai của sở hữu tài sản. Họ tin rằng mọi loại tài sản, từ vé xem sự kiện đến bất động sản, cuối cùng sẽ được mã hóa quyền sở hữu theo cách này. Nhiều chuyên gia dự đoán một ngày nào đó chính phủ các nước sẽ dùng công nghệ này để lưu trữ thông tin cá nhân của người dân, như số an sinh xã hội, thẻ tiêm vắc xin Covid-19…
Trong năm 2021, tần suất sử dụng từ NFT tăng 11.000% so với năm 2020 khiến ông Alex Beecroft, Giám đốc điều hành của Collins Learning, phải thốt lên rằng: “Hiếm khi một chữ viết tắt lại tăng mạnh về lượng sử dụng như vậy”. Ông nói thêm: “Dữ liệu mà chúng tôi thu thập phản ánh sự phát triển vượt bậc của NFT trong năm 2021. NFT đã xuất hiện ở khắp nơi từ lĩnh vực nghệ thuật, tài chính, các phòng trưng bày, buổi đấu giá đến các nền tảng mạng xã hội”. Có thể nhận thấy sở hữu NFT đang là cách giúp nhiều người thỏa mãn đam mê sưu tầm, thể hiện địa vị xã hội, hoặc đơn thuần coi đó là một khoản đầu tư với kỳ vọng sẽ bán lại với giá cao hơn để thu lời.
Sau cơn sốt tiền điện tử, giới đầu tư tiếp tục tìm kiếm những thị trường tiềm năng và NFT là một “mỏ vàng” mới. NFT được giao dịch từ khoảng năm 2017 nhưng mới bắt đầu thu hút chú ý từ đầu năm 2021 và bất ngờ trở thành cơn sốt từ khoảng tháng 8/2021 sau khi nhiều tác phẩm nghệ thuật số được bán với giá hàng triệu USD và nhiều “ông lớn” công nghệ đua nhau tham gia vào thị trường.
Số liệu thống kê từ một số công ty theo dõi thị trường như DappRadar, CryptoSlam hay NonFungible cho thấy doanh số của thị trường NFT đã đạt trên 44 tỷ USD vào năm 2021, tăng vọt so với mức hơn 100 triệu USD của năm 2020.
NFT bắt đầu khuấy động cả thế giới sau khi nữ ca sĩ Grimes, bạn gái tỷ phú Elon Musk, thu về 5,8 triệu USD nhờ việc bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số có tên “WarNymph” trên sàn NFT Nifty Gateway trong chưa đầy 20 phút. Thông thường, các NFT có giá từ vài USD cho tới vài chục triệu USD.
Trong đó, mức giá phổ biến của các tài sản loại này là từ 100 USD đến 1.000 USD. Cho tới nay, tác phẩm NFT đắt giá nhất thế giới là tác phẩm hội họa kỹ thuật số có tên “The Merge”, được tạo bởi một họa sĩ ẩn danh có tên Pak. NFT này được bán ngày 6/12/2021 với giá 91,8 triệu USD trên sàn NFT Nifty Gateway. Tác phẩm sau đó được chia thành 312.686 mảnh và phân chia cho 28.983 người mua, do The Merge về bản chất được tạo thành bởi tập hợp “các khối” mà người dùng có thể mua lẻ. Những mảnh này có thể được tích trữ thành khối lớn hơn và bán trên thị trường.
Tác phẩm đắt giá thứ 2 là bức tranh “Everydays: The First 5000 Days” của Beeple, nghệ sĩ 39 tuổi đến từ Charleston, Nam Carolina, Mỹ. Người bỏ ra 69,3 triệu USD để mua tác phẩm này là một nhà sưu tập công nghệ mới hoạt động dưới bí danh là Metakovan, cũng là người sở hữu quỹ NFT lớn nhất thế giới
Mặc dù NFT có sự tăng trưởng đột phá trong năm 2021, thị trường tài sản số này bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến bản quyền và kẽ hở về mặt pháp lý. Theo Wall Street Journal, vấn đề bản quyền trên thị trường NFT ngày càng trở nên nhức nhối bởi bất kỳ ai cũng có thể tạo một trong các mã đại diện, ngay cả khi họ không sáng tạo ra nội dung được mã hóa. Nhiều tác phẩm nghệ thuật bị biến thành NFT và bán trên các nền tảng trực tuyến mà không hề xin phép tác giả. Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc việc giao dịch NFT cần đưa vào khuôn khổ pháp lý và có chế tài để ngăn vấn đề xâm phạm sở hữu trí tuệ. Trong một thị trường có quá nhiều người tham gia nhưng không bắt buộc phải sử dụng tên thật, nạn lừa đảo cũng là một nguy cơ lớn. Dù vậy, thị trường này hiện chưa được kiểm soát đầy đủ bởi pháp luật.
Hiện chưa có cơ chế nào về việc định giá các NFT, giá cả đều do người bán và người mua tự quyết định. Bên cạnh đó, không ít ý kiến băn khoăn về việc không có gì bảo đảm giá trị của các NFT sẽ tồn tại sau vài chục năm tới, bởi công nghệ luôn thay đổi mỗi ngày. Một vấn đề nữa đặt ra là nếu chủ sở hữu quên mật khẩu đăng nhập trên blockchain cũng đồng nghĩa với việc không thể sử dụng, mua bán, trao đổi NFT trên blockchain đó, bởi cũng giống như tiền mã hóa, NFT không được quản lý hay vận hành bởi bất kỳ thực thể nào.
Theo các nhà phân tích, với một thị trường NFT thường biến động mạnh và dựa trên tiền mã hóa, không gì đảm bảo chúng có thể là nơi trú ẩn an toàn trước thay đổi về kinh tế vĩ mô. Cũng không thể phủ nhận rằng nó chủ yếu mang tính đầu cơ và có thể sẽ trải qua những biến động tương tự các loại tiền điện tử trong vài năm qua.
Ông Michael Every, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Rabobank, cho rằng “NFT có thể là đỉnh điểm của mọi loại mô hình bong bóng”. Còn bà Nadya Ivanova, nhà quan sát NFT tại L’Atelier - công ty con độc lập của ngân hàng BNP Paribas (Anh), thì nhận định NFT là thị trường còn rất mới và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần phải trải qua vài chu trình mới xác định được giá trị thực sự của nó.
Theo Minh Anh/VietnamFinance
Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/thi-truong-nft-mo-vang-dang-bung-no-a153307.html