Chợ Việt xưa và nay: Những 'tỷ phú thương mại' của Việt Nam thời hiện đại

Xuất thân là những người có học vấn cao nhưng cuộc đời của một số doanh nhân thành đạt của Việt Nam chỉ thực sự trở nên đặc biệt bởi quyết định rẽ hướng sang xây dựng nên các “đế chế” bán lẻ của riêng của mình. Những thương nhân thời hiện đại này đã góp phần làm thay đổi diện mạo ngành bán lẻ Việt Nam trong vài thập kỷ qua.

Trương Gia Bình: Nhà khoa học đi buôn

Bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng mảng thực phẩm, đồ ăn chăn nuôi, nhưng ngay khi nhận thấy những tiềm năng phát triển của lĩnh vực công nghệ, ông Trương Gia Bình đã quyết định thành lập FPT. Từ mục đích xây dựng một công ty công nghệ, FPT của ông Trương Gia Bình sau đó cũng trở nên lớn mạnh nhờ hoạt động bán lẻ.

Sau khi nhận được tấm bằng tiến sỹ toán lý tại Nga, ông Bình về nước làm việc tại Viện khoa học Việt Nam. Đến năm 1988, ông Bình đã quyết định rẽ hướng sang kinh doanh khi mới 32 tuổi với việc cùng các kỹ sư và nhà khoa học khác thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm, kinh doanh mảng thực phẩm, đồ ăn cho chăn nuôi tại Việt Nam, tiền thân của FPT ngày nay.

Tuy mang hình ảnh một công ty công nghệ, hoạt động thương mại, phân phối là một trong những thế mạnh của FPT. Từ những thành công trước đó, năm 2012, ông Trương Gia Bình quyết định thành lập Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số (FPT Retail), là 1 trong 7 công ty trực thuộc FPT. Thời điểm 2012, lúc mới thành lập, FPT Retail mới có 17 cửa hàng FPT Shop nhưng đến năm 2016, FPT Shop đã đạt mốc 385 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành. Doanh thu online tăng gấp đôi, đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Đến năm 2017, công ty có 473 cửa hàng trên toàn quốc (bao gồm cả FPT Shop và FStudio). Năm 2018, trong quý III, FPT Retail đã thành lập công ty con là Dược phẩm FPT Long Châu với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó FPT Retail đóng góp 75% vốn điều lệ.

Mặc dù năm 2017, ban lãnh đạo FPT đã quyết định giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT Retail xuống dưới 50% để tập trung đưa FPT trở thành công ty công nghệ thuần túy thay vì là một tập đoàn bán buôn và bán lẻ kĩ thuật số, nhưng không thể phủ nhận được những giá trị mà FPT Retail đã mang lại cho FPT nói chung và ông Trương Gia Bình nói riêng. Trong 3 năm gần nhất, đơn vị bán lẻ thuộc tập đoàn FPT này vẫn luôn có mức doanh thu ấn tượng. Cụ thể, năm 2019, FPT Retail đạt doanh thu 16,634 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2018. Doanh thu online đạt mức 3,899 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 23.4% tổng doanh thu của công ty. Năm 2020, FPT Retail ghi nhận doanh số lũy kế đạt 14.667 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019. Trong năm 2021, lũy kế đến ngày 24/11, FPT Retail đã đạt 16.400 tỷ doanh thu, hoàn thành kế hoạch đề ra cho cả năm.

Với cá nhân ông Trương Gia Bình, tính đến ngày 18/9/2021, với trên 55 triệu cổ phiếu FPT đang nắm giữ cùng 1,1 triệu cổ phiếu TPB, khối tài sản của ông Bình hiện có giá trị 5.356 tỷ đồng. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đang đứng trong top 25 người giàu nhất chứng khoán Việt Nam.

Nguyễn Đức Tài: Ông vua ngành hàng điện máy

Nhắc đến những tỷ phú thành công từ bán lẻ thì Nguyễn Đức Tài là một cái tên không thể bỏ qua. Ông Tài chính là người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động và là 1 trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2019. Bên cạnh việc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động ông Tài còn là chủ hệ thống các cửa hàng Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh. Thành công nhất của ông chính là việc phát triển Thế Giới Di Động thành một trong những nhà bán lẻ mặt hàng di động hàng đầu Việt Nam.

Sinh năm 1969, ông Tài tốt nghiệp hệ cử nhân ngành tài chính – kế toán tại Đại học Kinh tế TP. HCM. Sau đó, ông Tài tiếp tục lấy bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Trung tâm đào tạo Pháp – Việt CFVG. Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Pháp, ông Tài về nước và làm Giám đốc tài chính cho một tập đoàn của Thụy Sỹ có trụ sở tại Việt Nam.

Sau 8 năm gắn bó với công việc giám đốc tài chính, ông Tài quyết định từ bỏ công việc tốt để khởi nghiệp. Ông bắt đầu công việc kinh doanh bằng việc mở 3 cửa hàng bán điện thoại di động. Tuy nhiên, bởi sự chủ quan, tính hiếu thắng không cần ai giúp đỡ hay hợp tác cùng đã khiến ông gặp thất bại thảm hại. Sau thất bại này, ông Tài lại quyết định làm thuê để tích góp tiền vốn kinh doanh.

Năm 2004, ông cùng với 4 cộng sự của mình thành lập Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động với số vốn khoảng 2 tỷ đồng. Trong số 2 tỷ tiền vốn ban đầu, ông Tài có đóng góp 700 triệu đồng. Ông mở liên tiếp 3 cửa hàng bán lẻ điện thoại, cùng với việc xây dựng quảng cáo cửa hàng thông qua website trực tuyến. Tuy nhiên, kết quả doanh thu cũng chẳng mấy khả quan. Nhận thấy sai lầm trong cách điều hành kinh doanh, ông đã chọn việc tập trung đầu tư vào một cửa hàng bán điện thoại duy nhất một cách bài bản. Chính điều này đã giúp ông thu về một lượng khách hàng ổn định, tốc độ phát triển ấn tượng.

Tính đến năm 2021, Thế Giới Di Động sở hữu 4.157 cửa hàng, trong đó chuỗi Thegioididong.com là 908 cửa hàng, Điện máy xanh là 1.500 cửa hàng và chuỗi Bách hóa xanh là 1.749 cửa hàng. Không những vậy, Thế Giới Di Động còn chiếm tới 50% thị phần của ngành hàng di động tại Việt Nam hiện nay và tiếp tục còn tăng nhiều hơn nữa.

Nguyễn Đăng Quang: Từ vua mỳ tôm đến tỷ phú Forbes

Một tỷ phú bán lẻ khác đang đứng thứ 5 trong danh sách người giàu nhất Việt Nam năm 2021 là ông Nguyễn Đăng Quang. Tính đến ngày 23/12, Forbes ghi nhận tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Masan ở mức 2,2 tỷ USD. Xuất thân là một tiến sỹ ngành vật lý hạt nhân nhưng thành công của ông Quang lại đến từ hoạt động kinh doanh.

Ông Quang được biết đến là người mang ngành sản xuất mì gói và tương ớt sang Nga. Không chỉ dừng lại sự phát triển ở thị trường Nga, ông Quang còn mang thương hiệu mỳ gói của mình về quê hương Việt Nam. Một thương hiệu mỳ gói của Masan rất nổi tiếng mà không người dân Việt nào không biết đó chính là Omachi. Ông Nguyễn Đăng Quang thường được nhắc đến với biệt danh: “Người dạy người cho người Nga ăn mì gói và tương ớt”.

Quá trình khởi nghiệp từ việc buôn bán mỳ gói cho những người dân Việt tại Nga được ông Quang bắt đầu thực hiện từ những năm 1990. Sau một thời gian bán lẻ mỳ gói, ông Quang đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất Masan với công suất 30 triệu gói mỳ mỗi tháng. Khi việc sản xuất mỳ trở nên ổn định, ông quyết định mở rộng đầu tư sang mặt hàng đậu nành, cá và tương ớt và đã gặt hái được nhiều thành công.

Việc quyết định đưa Masan về Việt Nam được cho là một quyết định đầy “táo bạo” của ông Quang vào năm 2001. Bên cạnh việc đưa Masan về quê nhà, cũng trong năm đó ông Quang đã cho ra mắt sản phẩm nước tương Chin-su. Chỉ trong vòng 1 năm các sản phẩm mang thương hiệu Masan đều đã có mặt trên thị trường Việt Nam.

Ngày 18/2/2020 Ông Nguyễn Đăng Quang chính thức làm chủ tịch VinCommerce. Theo thỏa thuận sáp nhập giữa Masan và Vingroup, tập đoàn của ông Quang nhận 83,74% cổ phần phổ thông của công ty này. Ngoài ra, Masan sẽ phát hành quyền chọn được nhận cổ phần tại một công ty con mới thành lập cho Vingroup. Công ty mới này sẽ sở hữu cổ phần và vận hành VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings. Hiện tại, Masan cùng WinMart (VinMart đổi tên) đang là hệ thống bán lẻ lớn nhất về số lượng điểm bán, chiếm 25% thị phần kênh bán lẻ hiện đại với hơn 3.000 cửa hàng

Theo Ngọc Lưu/Vietnam Finance

Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/cho-viet-xua-va-nay-nhung-ty-phu-thuong-mai-cua-viet-nam-thoi-hien-dai-a153160.html