Ai đang nắm giữ gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu của Becamex IDC?

Các công ty chứng khoán Navibank và Smart Invest là người mua hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu của Becamex IDC nhưng sau đó bán lại cho các ngân hàng ngay trước kỳ báo cáo tài chính gần nhất.

Là một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lâu đời tại Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) hiện hoạt động trên 2 lĩnh vực chính, bao gồm bất động sản, chủ yếu dự án thành phố mới Bình Dương và khu công nghiệp , với tổng diện tích 4.427 ha.

Để có nguồn vốn triển khai quỹ đất rộng lớn, Becamex IDC vay nợ rất nhiều. Mới nhất, công ty này vừa phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm với lãi suất năm đầu tiên là 10%. Trái phiếu này được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất của 7 lô đất tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Các bên mua trái phiếu  bao gồm 1 công ty chứng khoán, 2 quỹ đầu tư chứng khoán và 1 công ty bảo hiểm. 

Trước đó, theo báo cáo tài chính quý 3/2021, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của Becamex IDC lần lượt đạt 4.400 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay dài hạn của công ty chủ yếu đến từ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, công ty ghi nhận giá trị trái phiếu thường dài hạn đạt 9.721 tỷ đồng, tăng gần 70% tỷ đồng thời điểm đầu năm. 

Becamex IDC cũng là một trong số ít các doanh nghiệp thống kê chi tiết các đợt phát hành trái phiếu của mình. Các trái chủ lớn đa phần là các ngân hàng, có thể kể đến như BIDV (1.080 tỷ đồng), MB (640 tỷ đồng), TPBank (180 tỷ đồng), ngân hàng liên doanh Việt – Nga (360 tỷ đồng), Shinhan Bank (180 tỷ đồng)… hay các công ty bảo hiểm như Prudential Việt Nam (1.250 tỷ đồng), Bảo hiểm quân đội - MIC (100 tỷ đồng), Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam (140 tỷ đồng)…

Một số công ty chứng khoán cũng là những trái chủ sở hữu lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp do Becamex IDC phát hành. Công ty Chứng khoán Navibank (NVS) hiện sở hữu 4 lô trái phiếu của Becamex IDC lần lượt trị giá 40 tỷ đồng, 535 tỷ đồng, 700 tỷ đồng và 1.257 tỷ đồng, tổng cộng là gần 2.600 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) sở hữu lô trái phiếu trị giá 1.070 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt là báo cáo tài chính quý 3/2021 của NVS và AAS lại không hề ghi nhận việc sở hữu các lô trái phiếu kể trên. Cụ thể, báo cáo của NVS ghi nhận thời điểm cuối quý 3/2021, công ty có tổng tài sản chỉ vỏn vẹn 329 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 259 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều so với quy mô gần 2.600 tỷ đồng trái phiếu mua của Becamex IDC.

Tương tự, tổng tài sản của AAS thời điểm cuối quý 3 chỉ đạt hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó riêng tiền mặt đã gần 300 tỷ đồng và không có khoản mục nào ghi nhận giá trị tương đương với 1.070 tỷ đồng trái phiếu Becamex IDC mà công ty đã mua vào.

Sự “lệch pha” giữa Becamex IDC và các công ty chứng khoán phản ánh cấu trúc giao dịch lòng vòng của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các công ty chứng khoán trong vai trò trái chủ thường được bơm tiền từ các tổ chức tín dụng hoặc các doanh nghiệp, rồi sang tay lại ngay sau khi phát hành thành công.

Minh chứng là dù báo cáo hàng quý của các công ty chứng khoán vẫn ghi nhận giá trị giao dịch trái phiếu rất lớn diễn ra trong kỳ. Cụ thể, công ty chứng khoán Smart Invest ghi nhận bán ra hơn 6.380 tỷ đồng giá trị trái phiếu. Hay báo cáo tài chính của NVS cũng ghi nhận tương tự 3.688 tỷ đồng giá trị bán trái phiếu trong kỳ.

Ai đang nắm giữ gần 10.000 tỷ đồng trái phiếu của Becamex IDC?
Nguồn: Báo cáo tài chính quý 3 của Smart Invest

Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức phát hành riêng lẻ với quy mô lên tới trên 436 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng trên 23,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ quan quản lý đánh giá, đà tăng quá nóng khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Ngày 3/12/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2021.

Đồng thời rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Ủy Ban chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo Trần Anh/The Leader

Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/ai-dang-nam-giu-gan-10000-ty-dong-trai-phieu-cua-becamex-idc-a152819.html