Luật sư Nguyễn Đăng Tư, thuộc lứa luật sư trẻ của Đoàn luật sư TP.HCM, hiện đang công tác tại Công ty Luật TriLaw (TP.HCM). Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, thế nhưng bề dày kinh nghiệm 10 năm trong nghề của anh quả thực không ít. Tốt nghiệp chuyên ngành Luật năm 2010, tiếp tục nâng cao chuyên môn bằng tấm bằng Cao học, chuyên ngành Luật Thương mại tại Đại học Luật TP.HCM năm 2014, từ đó đến nay thấm thoắt đã hơn 10 năm làm trong nghề tư vấn luật. Với Luật sư Tư hành trình hơn 1 thập kỷ làm nghề đã mang lại cho anh quá nhiều giá trị và cả những bài học sâu sắc.
Giống như nhiều đồng nghiệp khác, công việc trong ngày của Luật sư Tư khá bận rộn và luôn phải di chuyển. Từ việc xếp lịch gặp khách hàng, lịch làm việc tại tòa án, đi thu thập chứng cứ… đều được anh thực hiện một cách cẩn trọng. “Nhiều khi các luật sư còn trở thành chuyên gia tâm lý giúp thân chủ và người nhà yên tâm, tin tưởng vào lẽ phải.”-Luật sư Tư tâm sự. Ngay cả trong suốt thời gian TP.HCM áp dụng chỉ thị 16 do ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua, anh cùng các cộng sự của mình vẫn miệt mài làm việc để hỗ trợ các vấn đề phát sinh đến doanh nghiệp và người dân.
Trong suốt quãng thời gian gắn bó với nghề, Luật sư Tư kể có những vụ án để lại trong lòng anh những cảm xúc khó quên, anh kể:
“Mình từng nhận bào chữa một vụ việc mà thân chủ là một người giàu có, khi còn thời hoàng kim, bao nhiêu người vây quanh, tuy nhiên như người cha mô tả, họ chỉ là kền kền hút máu con gái ông mà thôi. Bởi ngay khi con gái ông bị bắt, tất cả quay mặt và quay lưng, giờ này đây, chỉ có người cha nghèo là người ở bên cạnh, người không bỏ rơi con cái trong mọi hoàn cảnh. Phim Bố Già của Trấn Thành có một câu rất hay rằng “mỗi người một cuộc sống, đừng sống thay cuộc đời người khác”. Câu nói mang hàm ý bố mẹ hãy đừng lo quá nhiều và ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của con trẻ, nhưng con trẻ đâu biết rằng, với bố mẹ, dù chúng có cao to đến đâu thì trong mắt họ những đứa con vẫn là những đứa trẻ cần được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh. Bố mẹ vẫn luôn là người hy sinh cho con vô điều kiện. Một vụ việc mình tham gia bào chữa hoàn toàn miễn phí, nhưng ít nhất cho đến thời điểm hiện tại mình nhận được rất nhiều giá trị, bởi mình thấy mình làm được điều có ý nghĩa cho cuộc sống này, gieo hy vọng cho các nạn nhân có thể lấy lại tài sản và dù cho không chắc giúp con gái của người cha trong câu chuyện này thoát được tội nhưng ít ra mình vẫn kết nối được tình cảm gia đình cho ông, giúp con gái ông truyền thông điệp cho gia đình “ba mẹ ráng sống khoẻ đợi con về”.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Đăng Tư, một số người vẫn hay nghĩ luật sư là nghề có nhiều quan hệ, kiếm được nhiều tiền nhưng thực tế những khó khăn, vất vả chỉ có người trong nghề mới hiểu hết. Để có thể trở thành một luật sư phải trải qua một thời gian dài học tập và đào tạo. Theo quy định, ngoài tấm bằng cử nhân, luật sư phải qua lớp đào tạo kỹ năng hành nghề luật sư, thời gian tập sự và thi qua kỳ thi kết thúc tập sự. Thời gian này tối thiểu là 6 năm hoặc có thể kéo dài hơn. Có người theo đuổi cả chục năm mới trở thành một luật sư.
Vậy nhưng, nghề nào cũng cao quý, cũng cần người có tâm huyết với nghề thì mới có thể gắn bó được dài lâu. Nghề Luật sư cũng không ngoại lệ. “Chỉ có tình yêu nghề mới giúp họ gắn bó với nghề luật sư trong thời gian dài.”_Luật sư Nguyễn Đăng Tư đúc kết.
Theo Người đưa tin
Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/luat-su-nguyen-dang-tu-tam-su-nhung-vui-buon-nghe-luat-a152024.html