Lý giải đằng sau thử thách bấm giờ nhanh trên smartphone

Tần số lấy mẫu cảm ứng trên điện thoại đủ nhanh để nhận diện 2 thao tác chạm trong thời gian ngắn, giúp đồng hồ bấm giờ dừng ở 0,01 s (10 ms).

Những ngày qua, nhiều người dùng Internet đã chia sẻ thử thách dừng đồng hồ bấm giờ trên smartphone trong thời gian nhanh nhất có thể. Trong khi một số người có thể dừng ở 0,1 s (100 ms), nhiều người đăng tải hình ảnh cho thấy có thể dừng ở thời gian nhanh hơn, lên đến 0,01 s (10 ms).

Trên iPhone và đa số smartphone hiện nay, ứng dụng bấm giờ mặc định có đơn vị nhỏ nhất là 10 ms. Về lý thuyết, nếu thao tác đủ nhanh, người dùng có thể dừng đồng hồ ở con số trên bởi chu kỳ tần số lấy mẫu cảm ứng trên đa số smartphone hiện nay khá nhanh.

Tần số lấy mẫu cảm ứng (touch sampling rate) là số lần màn hình có thể cảm nhận thao tác cảm ứng của người dùng trong một giây, tính bằng đơn vị Hertz (Hz). Ví dụ, tần số lấy mẫu cảm ứng 60 Hz nghĩa là màn hình có thể nhận thao tác cảm ứng 60 lần/giây.

Về mặt toán học, có thể quy đổi 60 Hz sang chu kỳ 16,6 ms. Đó là khoảng thời gian ngắn nhất giữa 2 lần chạm mà màn hình có thể xử lý. Nói cách khác, nếu không thể nhận diện thao tác cảm ứng trong một chu kỳ, màn hình phải đợi sang chu kỳ 16,6 ms khác để nhận diện thao tác.

Yeu to anh huong den thu thach dung dong ho bam gio nhanh anh 1

Tần số lấy mẫu cảm ứng cao sẽ hữu ích cho những tác vụ như chơi game, gõ phím. Ảnh: YugaTech.

Do đó nếu chu kỳ càng lớn (tần số lấy mẫu càng nhỏ), màn hình sẽ nhận diện thao tác cảm ứng chậm hơn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận và phản hồi.

Trên các smartphone thông thường, tần số lấy mẫu cảm ứng cơ bản là 60 Hz. Một số thiết bị như iPhone X trở lên có tần số lấy mẫu 120 Hz, chu kỳ giảm còn 8,33 ms. Nhiều model như Asus ROG Phone II, Samsung Galaxy S20 còn tăng tần số lấy mẫu lên 240 Hz, tức chu kỳ chỉ còn 4,16 ms. Chu kỳ càng nhỏ, tốc độ nhận thao tác cảm ứng của máy càng nhanh.

Tần số lấy mẫu cảm ứng mang đến lợi ích cho các thao tác cần sự nhanh nhẹn, chính xác như gõ bàn phím, chơi game hay vẽ bằng bút cảm ứng. Theo Beebom, giá trị này khác tần số làm mới (refresh rate), chỉ số lần thay đổi nội dung của màn hình trong một giây, chủ yếu giúp hiệu ứng cuộn lướt, chơi game mượt mà.

Trong thử thách dừng đồng hồ đếm giờ trên smartphone, một số người có thể dừng đồng hồ ở mốc 10 ms. Lúc này, 2 lần chạm vào màn hình nằm trong 2 chu kỳ 16,6 ms khác nhau, nhưng cách không quá 20 ms để đồng hồ chuyển sang mốc 0,02 s. Do đó, màn hình sẽ nhận 2 thao tác rồi xử lý để hiện kết quả.

Tuy nhiên, đó không phải toàn bộ quá trình ghi nhận và phản hồi thao tác cảm ứng của màn hình. Sau khi người dùng chạm vào màn hình, thao tác sẽ được gửi từ màn hình đến phần cứng, phần mềm, hệ điều hành để xử lý trước khi trả kết quả về màn hình để hiển thị.

Thời gian trên được gọi là độ trễ cảm ứng (touch latency). Trong khi đó, kết quả của thao tác được hiển thị nhanh hay chậm phụ thuộc vào tần số làm mới.

Do đó, 16,6 ms hay 8,33 ms chỉ là thời gian lý tưởng khi thiết bị nhận và phản hồi thao tác cảm ứng. Theo thống kê của GameBench, độ trễ màn hình của iPhone XS Max là 88 ms, còn độ trễ của Galaxy Note10 khi chơi game là 86 ms.

Một số người có thể dừng thời gian bấm giờ trong 10 ms đã kiến nghị Tổ chức Kỷ lục Guiness Thế giới công nhận hạng mục này. Tuy nhiên vào tháng 9/2020, tổ chức cho biết hành động trên không thể công nhận vào sách lỷ lục bởi đồng hồ bấm giờ trên smartphone không đáng tin cậy, có thể bị can thiệp để hiện sai thời gian.

Theo Phúc Thịnh/Zing

Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/ly-giai-dang-sau-thu-thach-bam-gio-nhanh-tren-smartphone-a151904.html