Các tập đoàn lớn ở Trung Quốc từ bỏ lợi nhuận để 'né đòn' của Bắc Kinh

Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh liên tiếp giáng đòn lên ngành công nghệ, các tập đoàn Internet lớn nhất Trung Quốc đang từ bỏ lợi nhuận và tích cực làm từ thiện.

Theo Bloomberg, các công ty lớn nhất Trung Quốc đang chấp nhận giảm thu nhập để "tránh bão". Pinduoduo Inc. - công ty thương mại điện tử nổi tiếng với chương trình mua hàng theo nhóm - cho biết sẽ quyên góp tất cả lợi nhuận ròng kể từ khi niêm yết.

Mục đích là hỗ trợ nông dân và các khu vực nông nghiệp của đất nước. Công ty sẽ tiếp tục quyên góp ít nhất là đến khi số tiền đạt 10 tỷ NDT (1,5 tỷ USD).

"Cải thiện nông nghiệp đã là tiền đề và trọng tâm của hoạt động kinh doanh của chúng tôi từ những ngày đầu thành lập. Nông nghiệp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của mọi người và có tỷ lệ số hóa tương đối thấp", CEO Chen Lei nói với các nhà phân tích trong một cuộc họp.

"Chúng tôi muốn làm việc với nhiều nông dân hơn nữa để cải thiện cuộc sống và sinh kế của họ", ông khẳng định.

Tap doan lon Trung Quoc anh 1

Pinduoduo Inc. cho biết sẽ quyên góp tất cả lợi nhuận ròng kể từ khi niêm yết. Ảnh: Reuters.

Từ bỏ lợi nhuận

Thông báo của Pinduoduo được đưa ra sau hàng loạt đóng góp của các tỷ phú và tập đoàn lớn nhất Trung Quốc. Tencent Holdings Ltd. - công ty có giá trị nhất đất nước - cho biết sẽ tăng gấp đôi số tiền phân bổ cho những chương trình trách nhiệm xã hội lên 15 tỷ USD.

Trước đó, ông Colin Huang - nhà sáng lập Pinduoduo - cũng hứa tặng 100 triệu USD cho Đại học Chiết Giang, trường đại học cũ của ông, để hỗ trợ nghiên cứu cơ bản khoa học y sinh, nông nghiệp và thực phẩm trong vòng 3-5 năm tới.

Hồi tháng 7/2020, ông Huang và nhóm sáng lập Pinduoduo đã quyên góp số cổ phiếu trị giá 2,4 tỷ USD cho một quỹ từ thiện.

Theo danh sách từ thiện của Hurun China Philanthropy List, nhà sáng lập Pinduoduo là người đóng góp hào phóng nhất Trung Quốc trong năm 2020. Hồi tháng 3, ông rời vị trí chủ tịch công ty để "tập trung vào các hoạt động nghiên cứu khoa học cuộc sống".

Hồi giữa tháng 7, Bloomberg cũng đưa tin ông Lei Jun - nhà đồng sáng lập tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi Corp. - chuyển 2,2 tỷ USD cổ phần tại Xiaomi sang hai quỹ từ thiện.

z2711578674472-b06f405ab561199b75301a62c11a7696-1629943825.jpg

Trong tháng 6, ông Wang Xing - nhà sáng lập kiêm CEO Meituan - đã quyên góp 2,3 tỷ USD cổ phần của gã khổng lồ giao đồ ăn cho quỹ từ thiện của mình. Động thái đó diễn ra sau khi cơ quan giám sát chống độc quyền Trung Quốc thông báo về một cuộc điều tra đối với công ty.

Tỷ phú Wang sau đó đã đăng một bài thơ cổ lên mạng xã hội. Một số người cho rằng đây là lời chỉ trích ngầm đối với Bắc Kinh.Trong tháng 6, ông Wang Xing - nhà sáng lập kiêm CEO Meituan - đã quyên góp 2,3 tỷ USD cổ phần của gã khổng lồ giao đồ ăn cho quỹ từ thiện của mình. Động thái đó diễn ra sau khi cơ quan giám sát chống độc quyền Trung Quốc thông báo về một cuộc điều tra đối với công ty.

Cùng tháng đó, ông Zhang Yiming - nhà sáng lập ByteDance Ltd., tỷ phú giàu thứ 4 Trung Quốc với khối tài sản trị giá 44,5 tỷ USD - đã tặng 77 triệu USD cho một quỹ giáo dục tại quê nhà.

Khoản tiền này sẽ được sử dụng cho việc “đào tạo giáo viên địa phương, hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, cải thiện công nghệ và cải tạo cơ sở hạ tầng ký túc xá sinh viên”.

Hồi tháng 4, ông Pony Ma của Tencent Holdings Ltd., tỷ phú giàu thứ 2 Trung Quốc, đã cam kết dành 7,7 tỷ USD của công ty cho việc giải quyết các tệ nạn xã hội và xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn Trung Quốc.

Đóng góp trở lại cho xã hội

"Có thể không phải ngẫu nhiên khi các tỷ phú công nghệ Trung Quốc bắt đầu từ thiện một cách tích cực", Bloomberg dẫn lời ông Brock Silvers - Giám đốc đầu tư tại Kaiyuan Capital (có trụ sở ở Hong Kong) - bình luận.

"Nó có thể xuất phát từ sự yêu nước hoặc việc theo đạo Phật. Nhưng lý do dường như liên quan mật thiết đến chiến dịch siết chặt kiểm soát ngành Internet của Bắc Kinh", ông nói thêm.

Theo CNBC, tại một cuộc họp hôm 17/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc mang đến "của cải vừa phải" cho tất cả người dân, hay còn gọi là "thịnh vượng chung".

Cuộc họp kêu gọi "điều chỉnh hợp lý đối với thu nhập quá mức, khuyến khích các nhóm và doanh nghiệp thu nhập cao đóng góp trở lại cho xã hội nhiều hơn", theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Trong những tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục giáng đòn lên các tập đoàn tư nhân lớn của đất nước từ lĩnh vực giáo dục, thương mại điện tử đến chia sẻ xe.

Tap doan lon Trung Quoc anh 2

Hồi tháng 3, ông Colin Huang - nhà sáng lập Pinduoduo - rời vị trí chủ tịch công ty để "tập trung vào các hoạt động nghiên cứu khoa học cuộc sống". Ảnh: Reuters.

Kể từ đỉnh hồi tháng 2, giá trị vốn hóa thị trường của Tencent, Alibaba, Kuaishou Technology và Meituan đã bị xóa sổ hơn 1.000 tỷ USD. Chỉ số Hang Seng Tech Index - theo dõi các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc - lao dốc hơn 40% trong cùng khoảng thời gian. Những công ty này chứng kiến vốn hóa bốc hơi khoảng 1.500 tỷ USD.

Tuần trước, Tencent đã cảnh báo nhà đầu tư "chuẩn bị cho những quy định nghiêm khắc hơn đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc".

Ở Mỹ, các công ty từng quyên góp từ lợi nhuận của công ty. Nhưng những hoạt động này giảm sút sau khi các CEO bị chỉ trích vì sử dụng tiền của cổ đông cho vinh quang của chính mình.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư không hề e ngại cam kết của Pinduoduo. Giá cổ phiếu của công ty trên sàn Mỹ đã tăng 22% sau khi Pinduoduo công bố thông tin.

Theo Thảo Cao/Zing

Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/cac-tap-doan-lon-o-trung-quoc-tu-bo-loi-nhuan-de-ne-don-cua-bac-kinh-a151895.html