Nỗi ám ảnh làm việc đến chết trong ngành công nghệ Trung Quốc

Cái chết của hai nhân viên trẻ Pinduoduo gần đây làm dấy lên những lo ngại lâu nay về điều kiện làm việc tại những công ty công nghệ lớn.

1h30 sáng, chỉ vài ngày trước năm mới 2021, một nhân viên 22 tuổi của công ty thương mại điện tử Pinduoduo rời khỏi văn phòng. Đột nhiên, cô ôm bụng và gục xuống. Đồng nghiệp đưa cô đến bệnh viện, nhưng 6 giờ sau, cô qua đời.

Chưa đầy hai tuần sau, một nhân viên trẻ khác ở Pinduoduo tự tử trong chuyến thăm gia đình ngắn ngủi. Hôm sau, nhân viên khác cho biết anh ta bị sa thải vì chỉ trích văn hóa làm việc của Pinduoduo.

Vào ngày tiếp theo đó, một tài xế giao hàng cho một công ty công nghệ khác đã tự thiêu, đòi trả lương. "Tôi muốn đòi tiền mồ hôi nước mắt của mình", anh nói trong một video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Chuỗi cái chết và cuộc biểu tình đã khơi lại cuộc tranh luận tại Trung Quốc về quyền lực của các hãng công nghệ lớn và những kỳ vọng mà họ áp đặt lên nhân viên của mình, vào thời điểm những gã khổng lồ Internet trên toàn thế giới đang bị giám sát gắt gao.

Một góc bên trong văn phòng của Pinduoduo. Ảnh: AP.

Một góc bên trong văn phòng của Pinduoduo. Ảnh: AP.

Người dùng kêu gọi tẩy chay Pinduoduo, một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Các nhà chức trách ở Thượng Hải, nơi công ty đặt trụ sở, đã thông báo một cuộc điều tra về điều kiện làm việc tại đây. Công ty không còn đồng tài trợ cho buổi Gala Tết Nguyên đán của CCTV, chương trình truyền hình được xem nhiều nhất ở Trung Quốc.

Pinduoduo nói đã cung cấp tư vấn tâm lý miễn phí cho nhân viên. Họ công bố ảnh chụp màn hình tin nhắn được cho là của bố nữ nhân viên qua đời, nội dung cảm ơn sự hỗ trợ của công ty. Phát ngôn viên của Pinduoduo từ chối bình luận thêm.

Cả chính phủ và người dân đều đã bắt đầu đánh giá lại các công ty mà họ từng coi là biểu tượng cho vị thế siêu cường ngày càng tăng của Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc gần đây công bố điều tra chống độc quyền đối với Alibaba. Nhà đồng sáng lập Jack Ma thì trở thành nhân vật phản diện trên mạng. Cơ quan quản lý đột ngột dừng kế hoạch IPO của Ant Group, thuộc Alibaba.

Bất chấp sự phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc sau đại dịch, nhiều nhân viên văn phòng đang vật lộn làm việc. Những người trẻ tuổi ngày càng lên tiếng về thời gian lao động dài, triển vọng nghề nghiệp ảm đạm và sự bất mãn về cuộc sống không lối thoát.

Lyu Xiaolin, nhân viên tại một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, cho biết cô đã thảo luận nhiều về cái chết tại Pinduoduo với các đồng nghiệp. Họ đồng tình rằng việc không chịu nổi áp lực công việc là quá quen thuộc.

"Chúng tôi rút ra rằng điều này quá khủng khiếp, và phải trân trọng cuộc sống của chính mình", cô nói, "Chúng tôi sẽ nghỉ việc sớm hơn trong tương lai". Trước đây, Lyu thường làm đến 11-12h đêm, thậm chí 3 giờ sáng và phải tìm cách trị liệu tâm lý.

Văn hóa làm việc đầy cạnh tranh tại Trung Quốc, đặc biệt là trong thế giới công nghệ, thường xuyên bị chỉ trích trong những năm gần đây. Trong khi nhiều người từng tôn vinh tăng trưởng bằng mọi giá là động lực cho sự phát triển của đất nước, thì các nhân viên trẻ ngày càng phàn nàn về sự đánh đổi sức khỏe và các mối quan hệ cá nhân của họ.

Sự bất mãn đó bùng nổ năm 2019, khi các nhân viên công nghệ trình độ cao tổ chức một cuộc biểu tình trực tuyến chống lại văn hóa "996" - ngày làm việc kéo dài từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần - và nâng cao nhận thức về luật lao động.

Cuộc tranh luận đã nổ ra một lần nữa đầu năm nay. Hôm 3/1, một người dùng ẩn danh trên nền tảng Maimai, viết rằng một người bạn tại Pinduoduo đã chết bất ngờ và đổ lỗi cho công ty. Bài đăng tạo sức hút và Pinduoduo xác nhận rằng một nhân viên họ Zhang đã chết vào ngày 29/12 trên đường về nhà.

Không có lời giải thích công khai về nguyên nhân cái chết, nhưng nhiều người trên Internet cho rằng do làm việc quá sức. Theo người ẩn danh, Zhang đang làm cho bộ phận sản phẩm tạp hóa trực tuyến mới mà Pinduoduo quảng cáo rầm rộ. Đó cũng là lúc Colin Huang - Giám đốc Pinduoduo - thành người giàu thứ hai Trung Quốc.

Sự phẫn nộ càng tăng khi Pinduoduo bác bỏ cái chết của Zhang. "Có ai là chưa từng bán mạng vì tiền", tài khoản mạng xã hội chính thức của Pinduoduo viết ngày 4/1. Bài đăng nhanh chóng bị xóa.

Ngày 9/1, Pinduoduo thông báo một nhân viên họ Tan, nhảy lầu khi đi thăm cha mẹ, và không có lý do nào được công khai. Ngày hôm sau, một cựu kỹ sư tại Pinduoduo, với tên trên mạng là Wang Taixu đăng một đoạn video lên Weibo, tuyên bố rằng anh ta đã bị sa thải sau khi chia sẻ bức ảnh chụp xe cấp cứu bên ngoài văn phòng. Chú thích của anh ám chỉ một đồng nghiệp khác gặp vấn đề.

"Có lẽ tôi vẫn còn là sinh viên, chưa học được cách trở thành một chuyên gia che giấu suy nghĩ và bảo vệ bản thân", anh nói trong đoạn video đã được xem hơn 64 triệu lần, "Nhưng tôi nghĩ thế giới không nên như thế này".

Pinduoduo nói rằng Wang bị sa thải không phải vì bức ảnh xe cấp cứu mà vì "những tuyên bố cực đoan" khác mà anh đăng tải trực tuyến nhằm chỉ trích công ty.

Các cuộc trò chuyện về "996" thống trị mạng xã hội. Một hashtag trên Weibo về cái chết của Zhang đã được hơn 630 triệu lượt xem. Ngay cả Xinhua, hãng thông tấn chính thức quốc gia, đã phỏng vấn Wang và tố cáo "văn hóa làm thêm giờ bị bóp méo".

Chen Haoxiang, sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Chiết Giang, làm việc trong lĩnh vực công nghệ, cho biết đã gỡ ứng dụng Pinduoduo và viết các bài đăng trên blog để truyền thông về quyền lao động. Anh ngưỡng mộ Wang vì nhiều người thường không dám chỉ trích công khai về chủ lao động. Chen cũng đã rời bỏ công việc yêu cầu 996 và đang làm tại một công ty có số giờ làm ngắn hơn.

Sau khi tài xế giao hàng Liu Jin tự thiêu, người dùng Weibo cũng cáo buộc Ele.me, công ty giao đồ ăn nơi anh ta làm và công ty mẹ Alibaba vì bóc lột. Họ chỉ ra một tài xế khác của Ele.me đã chết trong khi giao hàng ở Bắc Kinh vào tháng 12. Liu đã sống sót, và Ele.me sau đó nói rằng họ "rất buồn" vì sự cố này và sẽ thanh toán chi phí y tế cho anh.

Suji Yan (đứng) bên trong văn phòng công ty mật mã do anh sáng lập. Ảnh: NYT.

Suji Yan (đứng) bên trong văn phòng công ty mật mã do anh sáng lập. Ảnh: NYT.

Suji Yan - nhà sáng lập một công ty mật mã ở Thượng Hải, cho biết đại dịch đã giúp người dùng công nghệ nhận ra sự phụ thuộc của họ vào một số công ty lớn và các hoạt động kinh doanh đằng sau. Điều đó tạo thành một lực cản lớn hơn khi muốn chống lại các công ty công nghệ, không chỉ với các lập trình viên lương cao mà còn cả những lao động có thu nhập thấp.

"Năm 2019, rất nhiều người đã tranh cãi: Này, các anh thực sự là tầng lớp ưu tú. Anh không nên yêu cầu nhiều hơn nữa", Yan nói. Doanh nhân 24 tuổi này đã tham gia các cuộc biểu tình chống 996 năm đó. Giờ đây, mọi người cảm thấy rằng số phận của những nhà lập trình và những người giao hàng đều có liên hệ với nhau.

Các nhân viên mới vào nghề tại Alibaba, Tencent và các công ty công nghệ lớn khác kiếm được từ 30.000 đến 60.000 USD mỗi năm. Còn theo thống kê của chính phủ, mức lương trung bình cho một sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc năm 2019 là khoảng 10.000 USD.

Zoe Zhao, người nghiên cứu về hoạt động xã hội trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết áp lực của thị trường việc làm sau đại dịch đã giúp xã hội thấu hiểu hơn hoàn cảnh của những người lao động thu nhập thấp, vì ngay cả những sinh viên tốt nghiệp đại học cũng bị buộc phải làm những công việc vặt vãnh.

Nhưng áp lực đó cũng có thể khiến người lao động khó khăn hơn trong việc tạo ra sự thay đổi thực sự trong môi trường làm việc, do lo ngại về tình trạng thất nghiệp.

Cô Lyu, nhân viên công nghệ, nói rằng cứ mỗi nhân viên cảm thấy mệt mỏi với điều kiện làm việc, hàng chục người khác sẵn sàng thay thế vị trí của họ. "Một mặt công chúng la hét rằng 996 thật kinh khủng, nhưng mặt khác lại đổ xô vào các công ty công nghệ lớn này", cô nói, "Những người ở bên ngoài đang cố gắng vào trong và những người bên trong thì cố gắng thoát ra".

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/noi-am-anh-lam-viec-den-chet-trong-nganh-cong-nghe-trung-quoc-4230181.html

Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/noi-am-anh-lam-viec-den-chet-trong-nganh-cong-nghe-trung-quoc-a148029.html