'Huyền thoại' về những nữ doanh nhân Việt Nam có tài kinh doanh thiên bẩm

Từ huyền thoại về nữ doanh nhân là bà Khóa Liên Phương, đến 'nữ tướng' BRG Nguyễn Thị Nga, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo... đều là những người tham gia thương trường kinh doanh từ lúc còn rất trẻ...

Từ huyền thoại về nữ doanh nhân là bà Khóa Liên Phương, đến 'nữ tướng' BRG Nguyễn Thị Nga, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo... đều là những người tham gia thương trường kinh doanh từ lúc còn rất trẻ...

Huyền thoại về bà Khóa Liên Phương

Bà Khóa Liên Phương

Trong giai đoạn đất nước còn nhiều gian khó, bà Khóa Liên Phương trở thành một nữ thương nhân nổi tiếng khắp miền Bắc khi mới ngoài 20 tuổi nhờ buôn ngành rau quả, gạo, muối, bánh kẹo.

Bà từng mua công trái kháng chiến lên đến 1 triệu đồng và cung cấp nhu yếu phẩm cho căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được Bác Hồ khen ngợi, được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba bởi tinh thần vượt khó và ý chí làm giàu mãnh liệt. Bà tên là Phan Thị Khóa, năm nay vẫn mạnh khỏe ở cái tuổi 101.

Bà Khóa sinh năm 1919, quê gốc tại làng Nủa, Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Tây. Có bố là một ông giáo làng, mẹ làm nông dân. Sinh ra trong một gia đình có tới 5 anh chị em nên từ nhỏ bà Khóa đã nung nấu quyết tâm kiếm thêm tiền phụ giúp nuôi gia đình.

Từ đó, bà buôn rau các loại đem ra chợ bán. Bán rau được vài tháng, có vốn, bà Khóa mở thêm cửa hàng bán cá lấy nguồn ban đầu từ sông Lô sau đó lan xuống tận Việt Trì, Phú Thọ, Vĩnh Yên... để lấy cá.

Tích cóp được một lượng tiền khá lớn, bà Khóa mở thêm cửa hàng bán gạo. Gạo từ dưới xuôi lên bằng ô tô cũng có, khi xuôi sông Hồng, khi ngược sông Lô bằng tàu của nhà buôn Bạch Thái Bưởi, mỗi lần hàng giao cũng tới cả chục tấn gạo.

Buôn bán thực phẩm đắt hàng, đắt khách nhưng bà lại rẽ sang làm bánh kẹo bằng việc mua lại cửa hàng bánh Liên Phương ở thị xã Tuyên Quang vốn đã phá sản. Cái tên “bà Khóa Liên Phương” cũng có từ dạo đó.

Bánh kẹo Liên Phương làm ra không đủ bán, cạnh tranh cả với những loại bánh kẹo nổi tiếng khác ở Hà Nội, rồi Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa... Nhờ vậy mà khi mới chỉ vừa tròn 23 tuổi, năm 1942 bà Khóa Liên Phương trở thành một trong những thương gia có tiếng nhất miền Bắc.

Tết Nguyên đán năm Ất Dậu (1945), bà Khóa phá kho gạo chia cho hàng ngàn người. Đến khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, gia đình bà Khóa cũng đứng vào hàng ngũ đi khởi nghĩa, giành chính quyền, cửa hàng Liên Phương bị quân Tàu Tưởng cướp phá sạch khi tràn qua thị xã Tuyên Quang.

Năm 1947, hưởng ứng lời kêu gọi “tiêu thổ kháng chiến”, một lần nữa bà Khóa lại đập bỏ toàn bộ 6 ngôi nhà của mình, mở kho phân phát đường, bột, gạo cho người dân trước khi lên đường tản cư...

Pháp rút khỏi Tuyên Quang, bà Khóa mở thêm trại nuôi bò sữa. Sữa tươi được đóng vào chai để bán. Váng sữa được chế biến thành bơ, pho mát, hàng làm ra không đủ bán.

Có nhiều tiền, bà mua 2 chiếc xe ca đặt tên là Kiến Thiết, mở tuyến xe khách Tuyên Quang - Hà Nội, đóng ca nô Đại Đồng chở hàng tuyến đường thủy. Năm 1951, bà Khóa mua công trái kháng chiến bằng một nửa gia tài hiện có (hơn 1 triệu đồng).

Một ngày cuối năm 1952, bà Khóa vinh dự được gặp Bác Hồ.

Bà Khóa Liên Phương cùng cháu gái

Năm 1954, lúc đó bà đã 35 tuổi kết hôn với ông Nguyễn Khắc Tháo - một cán bộ cách mạng, và cùng cả gia đình về tiếp quản Thủ đô. Năm 1955, bánh kẹo Liên Phương xuất hiện giữa Thủ đô Hà Nội và nhanh chóng sánh vai cùng các loại bánh đặc sản khác.

Hưởng ứng chủ trương cải tạo công thương, bà quyết định bán ca nô, 2 chiếc xe ô tô và đóng cửa hiệu bánh kẹo Liên Phương, rồi thành lập Hợp tác xã bánh kẹo 1-5.

Năm 1975, sau khi nghỉ hưu bà Khóa đắp lò, mua bột làm bánh quy, bánh chả, bánh mì, bánh bao... Người có tiền thì mua, không thì đổi bột mì lấy bánh.... Ba người con của bà Khóa là Hà, Thành, Công đều được học hành đầy đủ, nay đã thành đạt.

Điều bà Khóa tự hào nhất là các con bà đã làm sống lại cái tên đã gắn bó với cuộc đời thăng trầm của bà thuở nào bằng việc lập công ty TNHH Liên Phương.

Bà còn là người sáng lập Quỹ học bổng Tài năng trẻ tài trợ cho các sinh viên nghèo trong nhiều năm qua.

"Nữ tướng" BRG Nguyễn Thị Nga

Xét về độ giàu có, bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG – không chỉ là người phụ nữ giàu có bậc nhất Việt Nam hiện nay mà còn là một trong những người giàu nhất trong giới doanh nhân Việt nói chung.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG.

Bà Nga sinh năm 1955 tại Hà Nội, được biết đến với vai trò Chủ tịch BRG, Phó Chủ tịch SeABank, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ, Chủ tịch Intimex,…

Năm 1993, bà Nguyễn Thị Nga thành lập BRG. Vị “nữ tướng” này đã đưa Tập đoàn BRG đi lên từ hoạt động xuất nhập khẩu trước khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, sân golf và nhiều lĩnh vực khác.

Bà Nga có mặt liên tục trong danh sách các phụ nữ có ảnh hưởng của Forbes Việt Nam. Bà Nga khởi nghiệp kinh doanh từ đầu những năm 1990. Đến năm 1993, bà cùng chồng thành lập Tập đoàn BRG (BRG Group), tập đoàn đầu tư đa ngành và là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Bà Nga cũng nổi tiếng với các thương vụ M&A, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân và liên doanh.

Dưới sự dẫn dắt của bà, BRG Group hiện đang đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực như golf, khách sạn, bất động sản. Ngoài ra, bà còn đầu tư trải rộng trên các lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu, bán lẻ, du lịch và cả nông nghiệp.

Bà Nga được xem là người truyền cảm hứng cho những nữ doanh nhân thế hệ sau, rằng phụ nữ có thể tự tin xây dựng doanh nghiệp, vượt qua những khó khăn để đưa doanh nghiệp của mình vươn xa, đóng góp cho kinh tế - xã hội của đất nước.

Bà Nguyễn Thị Nga từng được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam quyền lực nhất châu Á.

Madam Thảo

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo được Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới 

Năm 2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo được Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 1,7 tỷ USD, đồng thời là nữ tỷ phú duy nhất tại Đông Nam Á có tên trong danh sách này.

Madam Thảo nổi tiếng với khả năng kinh doanh thiên bẩm từ khi còn rất trẻ. Bước vào năm 2 đại học, khi đang học chuyên ngành Kinh tế - Tài chính tại Nga, bà bắt đầu nhập hàng điện tử, máy tính, máy fax, đồng hồ, băng đĩa hay hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong để kinh doanh tại Đông Âu. Bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường đang rất "khát" như phân bón, sắt thép, thiết bị... Nhờ vậy mà bà kiếm được triệu đô la đầu tiên khi mới 21 tuổi.

24 tuổi, Madam Thảo chuyển sang kinh doanh các mặt hàng công nghiệp như thép, máy móc... trước khi đầu tư về Việt Nam chủ yếu ở hai lĩnh vực là tài chính và bất động sản. Không chỉ là một trong những cổ đông đầu tiên góp vốn thành lập ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB, bà còn sở hữu một số khách sạn và chuỗi nghỉ dưỡng 5 sao.

Hiện nay, cái tên Nguyễn Thị Phương Thảo không chỉ được biết đến với hai thương hiệu HDBank và Vietjet Air mà còn là người giàu thứ hai trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Theo Hiền Anh/Infonet

Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/huyen-thoai-ve-nhung-nu-doanh-nhan-viet-nam-co-tai-kinh-doanh-thien-bam-a145594.html