Đại gia ngoại muốn "tay không bắt giặc" đang dần tháo chạy khỏi thị trường BĐS Việt Nam

Thị trường bất động sản Việt Nam thời điểm trước năm 2010 từng chứng kiến hàng loạt những nhà đầu tư BĐS nước ngoài ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Tuy nhiên, những đại gia "tay không bắt giặc", hoặc vốn ít vẫn muốn đầu tư siêu dự án đang dần lẳng lặng rút lui khỏi những dự án đình đám.

Berjaya lặng lẽ thoái lui

Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2006, đến tháng 2/2007, Tập đoàn Berjaya (Malaysia) chính thức có dự án đầu tư đầu tiên ở Việt Nam.

Cho đến nay, tên tuổi của Berjaya ít hoặc nhiều gắn tên tuổi với gần chục dự án, như: Khu đô thị mới Thạch Bàn (Hà Nội), Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) tại TP.HCM, Dự án khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam, các khách sạn InterContinental Ha Noi Westlake, Sheraton Hà Nội, Berjaya Long Beach Resort tại Phú Quốc...

Tuy nhiên, không ít dự án trong số này đã được Berjaya chuyển nhượng dự án từ lâu, hoặc chuyển nhượng vốn góp trong liên doanh chủ đầu tư cho đối tác khác.

Phối cảnh Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) của Berjaya tại TP.HCM.

Sở hữu toàn dự án "cỡ bự" nhưng nhìn chung tình hình kinh doanh của Tập đoàn Berjaya tại thị trường Việt Nam lại không được khả quan. Có những dự án Berjaya "xí phần" rồi đắp chiếu cả thập kỷ như: Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) tại TP.HCM với quy mô gồm 3 cao ốc có độ cao 48 tầng được sử dụng làm văn phòng làm việc, khu dịch vụ mua sắm. Một cao ốc làm khách sạn quốc tế 5 sao với 48 tầng, tọa lạc trên khu đất rộng 6,64 hecta của khu đất giáp 3 mặt tiền đường Cao Thắng nối dài - Lê Hồng Phong - 3 Tháng 2 (TP. HCM). Một dự án khác là Dự án khu đô thị Đại học Quốc tế (VIUT) tại TP.HCM có tổng diện tích khoảng 925 hecta, thuộc xã Tân Thới Nhì, huyện Hoóc Môn với tổng mức đầu tư là 3,5 tỷ USD.

Cả hai dự án này đều đã được UBND TP.HCM trao Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 2/2008 và tháng 7/2008. Tuy nhiên, sau gần thập kỷ những dự án này chỉ là dự án nằm trên giấy, không thể triển khai. Lý do chính dự án này mãi chưa được triển khai được nhiều người cho rằng do thiếu vốn và một số vấn đề liên quan đến thủ tục.

Khó khăn trong việc triển khai những dự án lớn, bất chấp chính quyền thành phố gia hạn nhiều lần, mới đây Tập đoàn Berjaya đã phải bán cả hai dự án của mình là: Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) tại TP.HCM và Dự án khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam cho một đại gia bất động sản trong nước với mức giá gần 14 nghìn tỷ đồng.

Dự án khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam

Trong khi hai dự án đắp chiếu nhiều năm đã phải bán mình, thì dự án còn lại, Berjaya đóng vai trong chủ đầu tư trong Liên doanh Handico 12 - Berjaya tại Khu đô thị mới Thạch Bàn – Hà Nội (Ha Noi Garden City), với tổng vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD cũng không mấy khả quan.

Cụ thể, dự án Ha Noi Garden City có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD, khởi công xây dựng từ năm 2009, nhưng dự án này có tiến độ triển khai rất chậm.

Năm 2012, trong danh sách các DN nợ tiền thuế và tiền sử dụng đất mà cơ quan chức năng công bố, Berjaya Handico12 – chủ đầu tư Dự án KĐT Thạch Bàn nợ hơn 225 tỷ đồng.

Trên Báo Đầu Tư, đại diện Berjaya Việt Nam (đơn vị được Tập đoàn Berjaya giao quản lý các dự án tại Việt Nam) từng lý giải nguyên nhân dự án chậm tiến độ chủ yếu khiến dự án chậm triển khai là do thị trường BĐS đóng băng tới mức “vượt ngoài dự liệu của nhiều doanh nghiệp”.

Cho đến nay, sau 9 năm kể từ thời điểm khởi công, nhiều công trình được xây dựng, nhưng chưa có nhiều cư dân chuyển về sinh sống tại dự án Hà Nội Garden City. Vắng bóng cư dân, một số hạng mục tiện ích chung đang nằm ngổn ngang, trong khi một phần diện tích không nhỏ của dự án chưa được triển khai cỏ mọc um tùm.

Theo một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực bất động sản: Với một dự án được triển khai dang dở như dự án Hà Nội Garden City, sẽ rất khó hoàn thiện nếu việc bán hàng gặp khó khăn. Theo chuyên gia này, một kịch bản chuyển nhượng phần vốn góp trong liên doanh, tương tự thương vụ địa ốc Phú Long mua lại cổ phần tại liên doanh chủ đầu tư dự án Splendora rất có thể xảy ra, nếu Berjaya không muốn tiếp tục "sa lầy" tại dự án này!

Dự án đang "ngắc ngoải" Khu đô thị mới Thạch Bàn – Hà Nội (Ha Noi Garden City) .

Nhiều đại gia ngoại cũng "tay không bắt giặc"?

Việc đại gia bất động sản Berjaya được giao đầu tư nhiều dự án, rồi lại chuyển nhượng lại vốn góp, chuyển nhượng dự án khi thị trường gặp khó được ví von là "tay không bắt giặc".

Thực tế trên thị trường bất động sản Việt Nam, trong quá khứ, cũng đã từng có không ít đại gia ngoại "tay không bắt giặc" đổ bộ vào thị trường Việt Nam xí phần nhiều dự án khủng, nhưng khi tình hình khó khăn lại tìm cách tháo chạy.

Trường hợp điển hình nhất là Daewon Cantavil (thuộc Tập đoàn Daewon – Hàn Quốc). Công ty này đã phải từ bỏ dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước sau gần 10 năm theo đuổi, nhưng không thể triển khai.

Được biết, đây là dự án đầu tư lớn thứ hai của Daewon trên thế giới và là dự án thứ 5 mà Daewon đầu tư tại Việt Nam vào thời điểm đó.

Theo giải thích từ Daewon, Khu đô thị quốc tế Đa Phước là dự án có quy mô lớn, yêu cầu nhiều vốn đầu tư (ước tính khoảng 300 triệu USD). Vì vậy khi tình hình thị trường không tốt, công ty đã gặp khó khăn trong huy động vốn để thực hiện giai đoạn 2. Không muốn sa lầy sâu hơn, hồi quý III/2016, Deawon đã chuyển nhượng dự án cho Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79.

Một trường hợp khác là Công ty TNHH Hi Brand (Hàn Quốc). Công ty này sang Việt nam đầu tư dự án Deawoo Cleve Hà Đông, với quy mô gần 5.000 căn hộ, là dự án căn hộ quy mô lớn nhất Hà Nội thời điểm năm 2011. Tuy nhiên khi thị trường bất đống sản rơi vào suy thoái, 2 tòa căn hộ CT2A và CT2B đã không được triển khai, bất chấp việc chủ đầu tư đã bán căn hộ cho nhiều khách hàng.

Phần lớn dự án sau đó đã được chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch sang nhà thấp tầng, nhằm điều chỉnh vốn đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai và dễ dàng rút lui khỏi thị trường.

Một số đại gia khác như Posco E&C (Hàn Quốc), liên doanh chủ đầu tư dự án Splendora mới đây cũng phải bán cổ phần cho Công ty cổ phần địa ốc Phú Long, đơn vị thành viên của Tập đoàn Sovico; Hoặc Liên danh Hongkong Land và Sumitomo Realty & Development - cũng từng rút lui khỏi dự án 164 Đồng Khởi (TP. HCM) sau 4 năm theo đuổi với lý do Thành phố không cố định được chi phí và thời gian bồi thường và giải phóng mặt bằng cho dự án.....

 

Bình Lê

Theo Báo Thời Đại

Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/dai-gia-ngoai-muon-tay-khong-bat-giac-dang-dan-thao-chay-khoi-thi-truong-bds-viet-nam-a14156.html