“Bài toán kinh tế” của Liên Khui Thìn

Bị kết án tử hình trong vụ Minh Phụng - Epco, Liên Khui Thìn hiện đang chịu án chung thân tại trại giam Z-30A. Ông ta tỏ ra khá hài lòng với cuộc sống thực tại và khá yêu đời...

Tử tù ham học

Chúng tôi nghĩ rằng trong suốt bốn năm rưỡi biệt giam trong khu tử tù của khám Chí Hòa, Liên Khui Thìn phải có một thần kinh thép để hy vọng, chờ đợi. Thế nhưng, Liên Khui Thìn đón nhận khoảng thời gian này một cách chủ động và lạc quan. Phạm nhân Thìn nói: "Ở Chí Hòa, tôi bị cùm 24/24 giờ. Thời gian này, tôi tự kiểm những lỗi lầm của bản thân và tự học tập".

Trong vụ án Minh Phụng - Epco, khi đó Liên Khui Thìn là Giám đốc Công ty TNHH Epco và bị tòa tuyên án tử hình với tội danh "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa". Kể về những năm tháng bị biệt giam, Thìn nói: "Tôi tự vấn, tự kiểm điểm lại hành vi của mình, thấy rằng mình không làm gì để dẫn tới tội chết. Tôi bị tòa tuyên là đã gây thiệt hại 267 tỉ đồng nhưng tôi tin tưởng rằng với tài sản của mình (khoảng 386 tỉ đồng), tôi sẽ bồi hoàn đủ thiệt hại và nghiêm chỉnh thi hành án. Đó cũng là hy vọng được thoát chết của tôi!".

Liên Khui Thìn nhớ lại: "Tại tòa, tôi bị tuyên tử hình cùng anh Minh Phụng. Tuyên xong, cả hai được đưa luôn về khu tử tù Chí Hòa. Anh Minh Phụng nằm cách tôi ba căn. Hai anh em có nộp đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước và nằm hy vọng. Thời gian đó, ngày ngày chúng tôi vẫn đợi cái chết đến với mình...". Thìn kể thêm: "Không ai nói cho chúng tôi biết ngày sẽ bị bắn. Bởi khi tòa đã tuyên tử hình thì hoặc sẽ bị bắn bất kỳ lúc nào, hoặc sẽ được ân xá. Chỉ khi cửa buồng mở mới biết mình "đi" đâu...".

Liên Khui Thìn kể tiếp: "Rạng sáng 11/7/2003, tôi nghe tiếng mở khóa lách cách bên buồng anh Minh Phụng. Tôi đoán anh bị dẫn đi bắn. Thời gian lúc này căng ra như sợi dây đàn... Tôi nghe ngóng, bình tĩnh đón nhận. Tôi đợi, đợi mãi không thấy cán bộ quản giáo quay lại mở buồng mình...". Lại khắc khoải chờ đợi. Đến ngày 8/9/2003, cán bộ quản giáo vào... mở cửa buồng của Thìn. Phạm nhân Thìn nhớ lại: "Họ không nói gì và tháo cùm, dẫn tôi tới một buồng giam khác. Lúc này, tôi đoán đơn xin ân xá của tôi được chấp thuận. Hồi sau, tôi mới biết mình thoát chết... Một cảm giác vui sướng tột cùng. Khó tả lắm!".

Ngược lại khoảng thời gian... chờ chết, Liên Khui Thìn kể thêm: "Tôi không rên la, oán hận. Tôi dùng thời gian đó để đọc sách báo, trau dồi thêm ngoại ngữ". "Tôi lên kế hoạch chi tiết để học văn phạm sơ cấp, trung cấp, đọc văn học nước ngoài bằng tiếng Anh. Buổi sáng, 5 giờ tôi bắt đầu dậy, ngồi thiền, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Đúng 7 giờ sáng bắt đầu đọc sách", Thìn kể chi tiết việc mình làm lúc đó. Liên tục trong ngày, Liên Khui Thìn dùng thời gian để đọc sách báo, trau dồi ngoại ngữ. Ông ta nói ông ta đã đọc được những tác phẩm như Cuốn theo chiều gió; rồi tiểu sử, hồi ký của tổng thống Bush, Putin... bằng bản tiếng Anh.

Ước mơ

Liên Khui Thìn sinh năm 1953, trú quán tại Q.3, TP.HCM; năm 1974, tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư khoa hóa thực phẩm. Nhìn lại sai lầm trong cuộc đời, phạm nhân Thìn nói: "Tai nạn của tôi bắt đầu từ lúc rời môi trường Thành Đoàn. Tại môi trường này, tôi đã sống và làm việc trong 10 năm trước khi chuyển sang làm kinh tế tư nhân".

Ở tư thế một người làm kinh tế mới theo kiểu cạnh tranh thị trường, Liên Khui Thìn tâm sự: "Thương trường phức tạp. Tôi luôn có những khát khao, tìm tòi, muốn thể hiện sự vượt trội”.

Liên Khui Thìn nhớ lại: "Chính từ sức ép bản thân này, tôi ôm đồm nhiều thứ, dẫn tới làm vượt thời gian, vượt không gian cho phép, xây dựng những đề án ngoài các quy trình do Nhà nước ban hành".

Thời gian tĩnh tâm tại tù, Liên Khui Thìn nhìn nhận: "Nhà nước điều hành công dân bằng pháp luật. Nhà nước không cần những công dân mang một đống tiền về nhưng làm sai pháp luật".

Trả lời câu hỏi: “Ra tù anh có làm kinh tế lại không, làm lại như thế nào”, Liên Khui Thìn không cần suy nghĩ: "Nếu làm lại, tôi sẽ trang bị những kiến thức về pháp luật trước mới làm kinh tế sau".

Hỏi về số tiền còn lại của mình, Liên Khui Thìn nói: "Tôi không quan tâm đến số tiền còn lại bởi được thoát chết đã là may lắm rồi. Từ lúc được ân xá, tôi lên kế hoạch phấn đấu lao động thật tốt, lúc này tôi không suy nghĩ gì nhiều mà chỉ tập trung vào lao động".

Liên Khui Thìn vào Z-30A từ 9/11/2003 và được bố trí làm công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe như coi cá, trông rừng. Thìn kể, làm việc nhẹ nhưng trách nhiệm nặng, coi sao cho cá không chết, rừng không cháy.

Liên Khui Thìn chiêm nghiệm: "Làm được như vậy thấy đầu óc thanh thản". Nếu còn ngày trở về với xã hội, Liên Khui Thìn ao ước: "Tôi chọn việc nào vừa sức với mình thôi. Tại đây, tôi đang ấp ủ ý tưởng và sẽ đề xuất với trại về một mô hình trung tâm dạy nghề. Tôi sẽ đem những kiến thức, hiểu biết của mình để dạy lại cho anh em những nghề phù hợp với cuộc sống như làm điện cơ, con giống, nông nghiệp. Qua đó, khi ra đời, họ dễ hòa nhập với cộng đồng".

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/doi-song/dai-gia-ngay-ay-bay-gio-ky-2-bai-toan-kinh-te-cua-lien-khui-thin-157305.html

Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/bai-toan-kinh-te-cua-lien-khui-thin-a138065.html