- Vì sao sau khi tốt nghiệp phổ thông, chị lại quyết định chọn Học viện Nghệ thuật Lasalle, Singapore?
- Tôi luôn biết mình có đam mê và khả năng theo đuổi ngành nghệ thuật sáng tạo từ rất bé. Hồi còn nhỏ, tôi rất thích chơi với búp bê và biết cách tự may cắt quần áo cho các bé. Lớn lên chút nữa, tôi có khoảng thời gian theo đuổi môn nghệ thuật múa chuyên nghiệp trong khoảng 10 năm (vì mẹ tôi là biên đạo múa) và cũng được mẹ cho đi học vẽ. Có thể nói những năm tháng này đã cho tôi nền tảng và kỹ năng liên quan đến môn nghệ thuật từ rất sớm.
Đến những năm cuối của khối phổ thông, tôi luôn có một giấc mơ là đi ra thế giới ngoài kia, để được nhìn, được học, được khám phá cái mới. Thế là lúc vừa ôn thi lớp 12, tôi vừa dùng cái máy tính cũ ở nhà để dò tìm trên mạng những trường đại học nghệ thuật. Và khi nhìn thấy ngôi trường Lasalle, tôi hoàn toàn bị “đổ gục” bởi kiến trúc đương đại rất đẹp của trường, những khoá học sáng tạo cuốn hút và tôi quyết định bí mật chuẩn bị hồ sơ để nộp đơn vào trường.
- Quyết định đó có được gia đình ủng hộ?
- Tôi vẫn nhớ như in lúc nhận được giấy báo đậu vào trường là vào ngày đầu tiên của 3 ngày thi tốt nghiệp phổ thông. Khi về nhà sau môn thi thứ nhất, bố mẹ đưa cho tôi một bức thư rất lạ. Lúc mở thư ra, tôi vỡ oà khi nhìn thấy dòng chữ “Congratulation!...” từ Lasalle. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy mình đạt được một thành tựu gì đó lớn lao lắm.
Sau đấy, bố mẹ nhận ra cô con gái vừa mới bí mật làm trò “động trời” và không đồng tình vì lo lắng về tài chính, cũng như chưa đủ tin tưởng về sự lựa chọn chuyên ngành của tôi. Nhưng sau cùng, tôi nhận được học bổng từ trường và cũng lý giải cho bố mẹ hiểu về khát khao, và cơ hội cho sự nghiệp tương lai mà tôi mơ ước. Điều này đã làm bố mẹ xiêu lòng cho tôi theo đuổi việc học tại ngôi trường này.
- Được biết trước khi khởi nghiệp với Browzzin, chị từng làm nhiều công việc khác nhau tại Singapore?
- Tôi từng làm nhiều công việc khác nhau trong ngành nghệ thuật và sáng tạo trước khi bén duyên với khởi nghiệp công nghệ. Bắt đầu sự nghiệp với nghề nhiếp ảnh gia thời trang, sau đấy tôi làm quản lý nghệ sĩ và tổ chức triển lãm nghệ thuật đương đại trong khu vực Đông Nam Á. Một thời gian sau tôi đầu quân về Zalora Group, với trụ sở chính ở Singapore, làm việc trong nhiều ban ngành khác nhau, đặc biệt là được làm trực tiếp với giám đốc sáng tạo và sau đấy là CEO của toàn khu vực.
Thời gian làm việc tại Zalora đã tạo các tiền đề và cơ hội quý báu cho tôi để phát triển kỹ năng, đúc kết kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thời trang. Một trong những dự án đáng nhớ nhất khi còn làm ở Zalora Group là quản lý dự án ra mắt tạp chí thời trang online cho Zalora ở 8 nước, ra mắt các nhãn hàng quan trọng như Ivy Park (chiến dịch toàn cầu của ca sĩ Beyonce), Coach và Tommy Hilfiger.
- Và Browzzin đã ra đời như thế nào?
- Tôi dành nhiều thời gian tìm kiếm các hình ảnh được chia sẻ bởi những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong ngành thời trang, và tự hỏi “Mua thứ này ở đâu nhỉ?”. Sau đấy với những kinh nghiệm trong ngành thương mại điện tử, tôi dành thời gian nghiên cứu sâu hơn về thị trường, đặc biệt là xu hướng social commerce (sự kết hợp của mạng xã hội và thương mại điện tử) và nhận định đây là một ý tưởng kinh doanh khả thi. Lúc đó, tôi vẫn duy trì toàn thời gian cho công việc tại công ty (Zalora), thời gian rảnh lại dành hết cho việc lên kế hoạch kinh doanh tìm đội ngũ phát triển sản phẩm (Browzzin).
Sau khi sản phẩm thử nghiệm hình thành, tôi quyết định mạo hiểm với toàn bộ thời gian và công sức để xây dựng đội ngũ, tìm kiếm cộng sự cùng phát triển sản phẩm. Browzzin giúp người dùng có thể chia sẻ hình ảnh thời trang và công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) được tích hợp trong hệ thống sẽ phân tích hình ảnh này, từ đó đưa ra những gợi ý sản phẩm thời trang chính xác hoặc tương tự, giúp người xem có thể lựa chọn mua sản phẩm này từ các đối tác, thương hiệu. Đến nay, công nghệ AI của Browzzin đã phát triển công nghệ nhận diện được hơn 60 loại sản phẩm thời trang khác nhau, phân tích được hơn 500 loại thuộc tính khác nhau của sản phẩm, đi kèm với nhận diện giới tính, màu sắc, ngữ cảnh và gợi ý phong cách thời trang phù hợp.
- Theo giới thiệu trên trang web của Browzzin, người dùng có thể kiếm tiền trên ứng dụng. Chị có thể chia sẻ rõ hơn về cơ chế này?
- Hiện tại Browzzin có hơn 10.000 nhãn hàng mang đến hơn 2 triệu sản phẩm cho người dùng. Người dùng tạo content (nội dung) và AI của Browzzin giúp kết nối sản phẩm tương tự, biến các hình ảnh này trở nên “shoppable” (mua ngay). Khi các sản phẩm này được mua bởi những người dùng khác trong nền tảng, người tạo content sẽ được hưởng một phần tiền từ các thương hiệu.
Nhóm người dùng của Browzzin gồm 2 loại: Người dùng nằm trong nhóm “content creators” có cơ hội kiếm tiền từ content của mình. Người dùng nằm trong nhóm “shoppers” có thể tìm kiếm ý tưởng trang phục, và sản phẩm phù hợp.
- Đến nay, startup của chị đã đạt được những thành tích gì?
- Với sự tin tưởng của nhà đầu tư cá nhân trong lĩnh vực thời trang và mua sắm, Browzzin thời gian đầu tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo trước khi thương mại hoá bằng việc đưa ra ứng dụng mua sắm. Hiện tại, với hơn 2 triệu sản phẩm thời trang được tích hợp, ứng dụng Browzzin đã có hàng trăm nghìn người sử dụng.
Browzzin lọt vào vòng chung kết của giải thưởng Best Digital Innovation bởi Drapers Awards, một trong những giải thưởng uy tín nhất của ngành thời trang tại London vào tháng 5/2019, tranh giải trực tiếp cùng những tên tuổi lớn nhất của ngành thời trang điện tử bao gồm Farfetch, ASOS…
Tháng 10 năm nay, Browzzin được chọn vào Top 50 Tech Companies của Intercon, Dubai. Ngoài ra, Browzzin cũng là startup duy nhất ở Singapore được chọn để showcase (trưng bày) sản phẩm tại 2 sự kiện khởi nghiệp và công nghệ tiêu biểu: Bits & Pretzel trong tháng 10 (tại thành phố Munich, sự kiện khởi nghiệp tiêu biểu nhất tại châu Âu năm nay khi cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đến và phát biểu mở màn sự kiện) và hội thảo công nghệ lớn nhất thế giới Web Summit (diễn ra tại thành phố Lisbon, Bồ Đào Nha).
- Browzzin xác định đâu là thị trường mục tiêu?
- Thị trường chính của chúng tôi nằm ở khu vực châu Âu và công ty đang có chiến lược phát triển ra các khu vực châu Á và Mỹ. Mục tiêu gần của công ty là phát triển và hoàn thiện các tính năng mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, song song với việc tăng trưởng số lượng người dùng, số lượng dữ liệu sản phẩm trong hệ thống, cũng như các nhãn hàng hợp tác trên nền tảng.
- Chị và cộng sự đã gặp những khó khăn gì trong quá trình khởi nghiệp?
- Khi khởi nghiệp thật sự có rất nhiều khó khăn ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ việc xây dựng đội ngũ nhân viên, phát triển sản phẩm, kết nối với người dùng, gọi vốn và tạo dựng quan hệ với nhà đầu tư, quảng bá thương hiệu… Danh sách các khó khăn thật sự kể ra không hết, nhưng đối với bản thân tôi, khó khăn lớn nhất lại là đối diện và quản lý năng lượng, cảm xúc của chính mình.
Trong cuộc sống của một startup, hàng ngày tôi và đội ngũ luôn phải đối diện với sự căng thẳng từ khối lượng công việc lớn, sức ép thời gian của cuộc đua công nghệ, những thất vọng tạm thời khi sản phẩm có lỗi và khiến trải nghiệm người dùng bị ảnh hưởng. Qua thời gian, tôi nhận ra rằng, ngoài việc có được một lý tưởng kinh doanh rõ ràng, việc quan trọng nhất của người lãnh đạo công ty còn là cân bằng những cảm xúc tiêu cực của bản thân và mọi người xung quanh, chuyển hoá chúng thành năng lực tích cực. Từ đó mình có thể truyền cảm hứng cho đội ngũ và cộng sự, gạt bỏ cảm xúc xấu, thúc đẩy mọi người tập trung, đoàn kết đạt mục tiêu, phát triển sản phẩm tốt nhất đến người dùng. Đây cũng chính là điều tôi luôn cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày.
- Là một trong 11 người Việt vừa được chọn là lãnh đạo trẻ tương lai của Obama Foundation, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cơ duyên nào đã đưa chị đến với chương trình này?
- Tôi được các cộng sự của mình động viên nộp đơn vào chương trình và rất vui khi cùng 10 bạn khác đến từ Việt Nam được chọn.
Sứ mệnh của Obama Foundation là truyền cảm hứng, trao quyền và kết nối mọi người để thay đổi thế giới. Với chương trình The Leaders: Asia Pacific, Obama Foundation muốn hỗ trợ các lãnh đạo trẻ trong khu vực trong quá trình làm việc của họ với cộng đồng. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có rất nhiều nhà lãnh đạo trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết.
- Chị có thể giới thiệu cụ thể hơn về các hoạt động của chương trình?
- Từ ngày 10-14/12, để khởi động chương trình Lãnh đạo đầu tiên trong khu vực, Obama Foundation đã kết nối 200 nhà lãnh đạo trẻ từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo tham gia vào các khóa học về lãnh đạo, tạo điều kiện cho họ để truyền cảm hứng và năng lượng, kết nối với nhau. Hành trình học hỏi này sẽ tiếp tục từ xa trong vòng một năm sau chương trình gặp gỡ, qua các buổi hội thảo và bài diễn thuyết trực tiếp, cũng như sự hỗ trợ, lan tỏa và các cơ hội khác từ Obama Foundation.
Chương trình Lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương tiếp nối di sản của vợ chồng cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, tập trung vào các giá trị chia sẻ chung và lãnh đạo dựa trên các chuẩn mực đạo đức. Chương trình lấy nội dung từ những hoạt động của Obama Foundation với các lãnh đạo trên khắp thế giới, từ Chicago cho đến Johannesburg và xa hơn nữa - cũng như sự hướng dẫn, chia sẻ từ 21 lãnh đạo trẻ tại 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã giúp quỹ thiết kế chương trình này.
- Bên cạnh công việc tại Browzzin, hiện chị cũng theo học tại Trường quản lý Sloan của MIT?
- Khi khởi nghiệp, tôi biết mình luôn cần trau dồi kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau và trí tuệ nhân tạo hiện đang là công nghệ chủ đạo mà Browzzin đang phát triển. Với vai trò và trách nhiệm của mình, tôi đang phải trực tiếp làm việc cùng các cộng sự là những chuyên gia và giáo sư phát triển các thuật toán nhận diện hình ảnh, sản phẩm.
Tôi đặc biệt cần hiểu hơn các mảng chính của AI bao gồm Học Máy (Machine Learning), Xử Lý Ngôn Ngữ Tự Nhiên (Natural Language Processing) và Robot Học (Robotics), hiểu các thuật ngữ chuyên ngành, cách phát triển thuật toán, các khó khăn của cộng nghệ ở thời điểm hiện tại, và cách áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các ngành công nghiệp khác nhau. Đó là lý do tôi tìm đến khoá học Trí Tuệ Nhân Tạo & Ứng Dụng cho Chiến Lược Kinh Doanh để có thể cộng tác sâu sắc và hiệu quả hơn với đội ngũ công nghệ của mình.
Vì hoàn cảnh tôi vẫn phải quản lý Browzzin sát sao hàng ngày cộng với việc phải đi công tác đến văn phòng ở các nước khác nhau, tôi đã chọn cách học từ xa với MIT nhưng vẫn giao tiếp trực tiếp với các thầy cô từ trường và các bạn cùng khoá. Khoá học liên tục trong 2 tháng và yêu cầu mình dành sự tập trung và thời gian để lĩnh hội các kiến thức, cùng lúc làm các bài thi kiểm tra hàng tuần.
- Xuất phát từ một sinh viên ngành nghệ thuật sau đó cũng làm việc liên quan đến lĩnh vực này, những khó khăn chị gặp phải khi theo học chuyên ngành liên quan đến công nghệ là gì?
- Khó khăn lớn nhất với tôi đó là nhảy vào một lĩnh vực hoàn toàn mới so với tất cả những gì mình đã làm trước đó, cho nên nếu so sánh với các “chuyên gia” trong ngành thì chắc chắn mình cần nhiều thời gian và sự tập trung hơn để lĩnh hội các kiến thức và kinh nghiệm. Tuy nhiên, sự sáng tạo vẫn được sử dụng triệt để trong công việc và cách lãnh đạo của mình. Sự sáng tạo được thấy ở nhiều khía cạnh khác nhau chứ không chỉ đơn thuần ở việc sản xuất những phần sáng tạo của sản phẩm, vì mình còn dùng nó trong mọi thứ: cách mình “brainstorm” ý tưởng với team, cách mình dẫn dắt team tìm giải pháp cho vấn đề nào đấy, cách mình xây dựng hình ảnh giá trị công ty…
- Ngoài kinh doanh, chị còn có rất nhiều tài lẻ. Họa sĩ, kỹ sư, doanh nhân, nhiếp ảnh gia và diễn giả - chị nghĩ vai trò nào phù hợp với mình nhất?
- Tôi nghĩ là sẽ khó để có câu trả lời chính xác, vì bản thân mình luôn muốn trải nghiệm nhiều vai trò trong các lĩnh vực khác nhau và còn rất nhiều ước mơ khác muốn theo đuổi. Tôi có niềm tin rằng, không có ai là kém cỏi, mỗi chúng ta đều có nhiều khả năng tiềm ẩn. Nếu một người dũng cảm đối mặt với mạo hiểm, khám phá năng lực bản thân, kiên trì trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, để mỗi ngày qua mình trở thành một con người tốt hơn của ngày hôm qua, chắc chắn chúng ta sẽ có cơ hội thành công, hạnh phúc và sống thỏa mãn niềm đam mê, từ đó tạo ra các giá trị tích cực.
- Vừa khởi nghiệp, vừa đi học, đôi khi còn làm diễn giả, một ngày của chị thường diễn ra như thế nào? Lấy đâu ra năng lượng để chị hoàn thành tốt mọi việc?
- Quả thực là với lịch làm việc bận rộn như hiện nay, tôi cần làm mọi cách để sắp xếp thời gian và chuẩn bị năng lượng cho mỗi ngày. Tôi rất quan trọng việc khởi đầu một ngày mới với nguồn năng lượng thể chất và tinh thần cao nhất, cộng với việc “tối ưu hóa thời gian”. Trong tuần tôi dậy khá sớm để làm được nhiều công việc hơn, tôi luôn sắp xếp các buổi họp trong đầu tuần và để dành các ngày sau trong tuần cho “deep work”, các buổi họp không bao giờ nên quá 90 phút và mọi người cần chuẩn bị trước để buổi họp diễn ra hiệu quả nhất.
Cuối tuần, tôi cho phép mình ngủ bù, và dành một phần thời gian làm một số hoạt động khác để dung hoà năng lượng của mình. Thường thì tôi để dành thứ 7 là một ngày cho bản thân (gặp hoặc gọi điện gia đình, bạn bè, đọc sách, vẽ tranh, chạy bộ, học các kỹ năng mới…), sau đó chuẩn bị tuần mới từ chủ nhật.
Tuy là một cô gái làm việc trong ngành thời trang, nhưng trong công việc, tôi khá là “thực dụng” trong việc tiết kiệm thời gian, cho nên bản thân mình có một "chiêu" đó là tạo ra đồng phục đi làm. Mọi người sẽ luôn thấy tôi đến văn phòng trong chiếc áo tee màu đen và quần jeans, đi giày Adidas hoặc Nike gần như 98% thời gian, trừ những lần có các buổi họp quan trọng cần trang phục phù hợp hơn. Tủ quần áo của tôi có 20 chiếc áo thun đen như thế và chúng quả thật tiết kiệm rất nhiều thời gian lúc mình chuẩn bị đồ đi công tác. Khi có những khoảng thời gian rảnh (đứng chờ, đi lại trên xe cộ, thậm chí lúc đang làm các việc không cần suy nghĩ như xếp quần áo), tôi luôn cố gắng dùng nó để đọc hoặc nghe audio book (sách nói).
- Mục tiêu và tham vọng trong tương lai của chị là gì? Chị có dự định về Việt Nam lập nghiệp?
- Tôi muốn tiếp tục con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo, đưa Browzzin mở rộng ra nhiều thị trường mới phục vụ hàng chục triệu người dùng. Mục tiêu cao nhất trong đời tôi muốn đạt được sau này là làm việc trong ngành giáo dục, giúp kiến tạo sự đổi mới vượt bậc cho ngành giáo dục Việt Nam.
- Hiện nay có một số ý kiến trái chiều về việc những du học sinh Việt sau khi học xong ở lại nước ngoài làm việc. Là người trong cuộc, chị nghĩ gì về vấn đề này?
- Tôi nghĩ rằng trước khi đưa ra bình luận cho một vấn đề nào đấy, chúng ta nên biết trước mục đích sau cùng của một vấn đề là gì. Tôi biết rằng có những ý kiến trái chiều về du học sinh Việt Nam ở lại nước ngoài làm việc. Nhưng khi ta muốn chỉ trích việc du học sinh ở lại nước ngoài là không đóng góp cho đất nước, tôi nghĩ điều nhận định này chưa đủ và chưa sâu sắc.
Thứ nhất, việc ở lại nước ngoài làm việc nên được tôn trọng như một quyết định cá nhân mà mỗi công dân đều có quyền lựa chọn.
Thứ hai, việc ở lại nước ngoài làm việc có thể là những lý do bất khả kháng. Chẳng hạn rất nhiều sinh viên đi học được cho học bổng toàn phần hay một phần, đôi khi vẫn cần vay mượn trường học, ngân hàng, chính phủ, để trang trải các khoản phí sinh hoạt - khi ra trường cần làm việc ngay, và luôn mong muốn ở mức lương thoả đáng để trả lại các khoản nợ sinh viên. Hoặc khi nhận hỗ trợ học bổng, có những điều kiện đi kèm là sinh viên phải làm việc cho các công ty của nước đó trong vòng vài năm (như cá nhân tôi rơi vào trường hợp này).
Thứ ba, việc lựa chọn ở lại nước ngoài làm việc có thể là một kế hoạch lâu dài của các bạn trẻ luôn mong muốn đóng góp cho quê hương. Các bạn có thể muốn tích luỹ kinh nghiệm và tài chính trước khi trở về, hoặc có thể lựa chọn các vị trí tuy làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn là cầu nối mang các giá trị và cơ hội về quê hương. Hơn nữa, mình coi việc các cá nhân Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài cũng là một cách thức đóng góp khi các bạn có thể quảng bá trực tiếp đến mọi miền năm châu - “Tôi là người Việt Nam và đây là các giá trị tuyệt vời của chúng tôi”.
Như cá nhân tôi vẫn đang vô thức làm như vậy, mỗi khi giới thiệu bản thân, tôi luôn nói “Tôi tên Trang, tôi đến từ Việt Nam nhưng hiện tại đang sinh sống tại Singapore. Mọi người hay gọi tôi là Zean”, hoặc tôi cũng luôn hỏi mọi người “Bạn đã đến Việt Nam chưa? Chúng tôi có nhiều thứ tuyệt vời lắm”, và sau cùng thì luôn rủ rê bạn bè nước ngoài thử các món ăn Việt Nam và kể câu chuyện người Việt Nam mạnh mẽ, anh hùng đến thế nào.
Cá nhân tôi có thể tự tin nói về phần mình, nếu không có những năm tháng sống, học tập và làm việc ở nơi xứ người, có lẽ đã không có tôi của ngày hôm nay với tri thức, kinh nghiệm sống và các nền tảng khác để đóng góp cho quê hương bằng nhiều hình thức như hiện tại (đại diện đất nước, tạo công ăn việc làm cho các tài năng ở quê nhà, đóng góp vào các quỹ từ thiện).
- Cảm ơn chị!
Bài: Diệu Tuyết
Thiết kế: Bảo Linh
Theo Người Đồng Hành