Loạt doanh nghiệp xin lùi thời gian trả nợ nghìn tỷ trái phiếu

14/02/2023 06:23

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp thông báo mất khả năng thanh toán các lô trái phiếu và đề nghị được hoãn, giãn nợ.

Trước áp lực lớn về dòng tiền, nhiều doanh nghiệp tiếp tục thông báo chậm thanh toán tiền lãi và gốc cho trái chủ.

Dù vậy, đây chưa phải là giai đoạn cao điểm khi áp lực thanh toán sẽ bắt đầu dồn dập trở lại kể từ tháng 5 đến tháng 9 với con số đến hạn vượt hơn 1 tỷ USD. Tổng số dư trái phiếu đáo hạn dự kiến trong năm nay vào khoảng 285.178 tỷ đồng.

Tín dụng bị siết chặt, nguồn vốn khó khăn

Cụ thể, ngày 7/2, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2) công bố nghị quyết lùi thời gian đáo hạn lô trái phiếu 118,7 tỷ đồng đã đến hạn thanh toán vào ngày 27/10/2022 lại một năm, dự kiến thanh toán vào 27/10. Ngoài nợ gốc, doanh nghiệp cam kết chi trả phần lãi phát sinh, được tính bằng 150% lãi suất công bố (11,5%/năm).

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG). Doanh nghiệp này có một lô trái phiếu được phát hành ngày 30/12/2017, có kỳ hạn 5 năm, gồm 134 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng, tổng huy động 134 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 6 tháng/lần.

Lô trái phiếu đáo hạn vào ngày 30/12/2022. DLG cần thanh toán tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng, tổng cộng hơn 181 tỷ đồng.

"Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt... dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán cho trái chủ", DLG lý giải.

z4107432406845-798d88d422c746d3cfecc353ecd09680-1676330545.jpg

Trong lúc này, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (AGM) cũng chưa thể trả nợ cho hai gói trái phiếu với hai mã AGMH2123001 và AGMH2223001 do các sự kiện bất khả kháng về nhân sự và chính sách tiền tệ bị thắt chặt trên thị trường tài chính. Ước tính, AGM sẽ phải tìm kiếm nguồn tiền trả gốc và lãi của hai lô trái phiếu hơn 600 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu ảm đạm

Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê đến ngày 31/1, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa ghi nhận đợt phát hành nào trong năm 2023. Các đợt phát hành được công bố gần đây hầu hết được phát hành vào tháng 12/2022 với tổng giá trị chào bán 15.880 tỷ đồng.

Trước đó, đầu tháng 12/2022, Bộ Tài chính được Thủ tướng yêu cầu chủ trì xử lý vấn đề liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, khẩn trương rà soát, sửa đổi nghị định quy định về trái phiếu doanh nghiệp, cùng các cơ quan sửa đổi thông tư liên quan.

trai phieu doanh nghiep anh 1

Khối lượng trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp bất động sản chiếm phần lớn trong thời gian tới. Ảnh: Chí Hùng.

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 và Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính đã đưa ra một số thay đổi quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt về trái phiếu khiến các doanh nghiệp bế tắc trong suốt thời gian qua.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện quy định mới về nhà đầu tư chuyên nghiệp, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và phân phối trái phiếu trong vòng một năm, tức vẫn thực hiện theo quy định hiện hành cho đến 1/1/2024.

Dự thảo cũng cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ có thể được gia hạn với thời gian tối đa là 2 năm, cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch HĐQT FiinRatings - đề xuất giải pháp trong ngắn hạn cần có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao như đánh giá, phân loại cụ thể. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ.

"Ngoài ra, có thể cho phép bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, khơi thông trái phiếu chào bán đại chúng qua việc áp dụng phê duyệt nhanh...", ông đề xuất.

Theo Thanh Thương/Zing