Công ty chứng khoán dồn dập mua ròng lúc thị trường lao dốc, chiến lược sắp tới ra sao?

25/09/2023 06:40

Ngay lúc thị trường chứng khoán giảm sâu, nhà đầu tư cá nhân trong nước và khối ngoại dồn dập bán ròng, khối tự doanh của công ty chứng khoán lại mua ròng trong tuần này. Chiến lược giao dịch sắp tới thế nào?

z4723477615001-e7d40afd721386b99104346c770c68a7-1695570875.jpg
Đối lập cảnh "thoát hàng" của nhà đầu tư cá nhân trong nước và khối ngoại, khối tự doanh của công ty chứng khoán nhảy vào mua ròng - Ảnh: BÔNG MAI

Công ty chứng khoán mua ròng ngay lúc thị trường 'đỏ lửa'

Với tâm lý thận trọng và lo lắng bao trùm toàn thị trường, kích hoạt áp lực bán lan tỏa trên diện rộng, khiến chỉ số VN-Index chính thức khép lại tuần này với mức sụt giảm hơn 34 điểm (-2,8%) so với tuần trước, lùi về mốc 1.193 điểm.

Trong đó, riêng việc giảm 5-7% của các cổ phiếu như VHM (Vinhomes), MSN (Masan), VPB (VPBank) và VIC (Vingroup) đã gây tiêu cực lên chỉ số của sàn TP.HCM và thị trường chung.

Ngược lại, đà bán tháo được kìm hãm phần nào nhờ các cổ phiếu như DGC (Hóa chất Đức Giang), VHC (Thủy sản Vĩnh Hoàn), STB (Sacombank)... vẫn cầm cự được sắc xanh và tăng tốt.

Việc các cổ phiếu ngành chứng khoán bị bán tháo mạnh nhất, đã bộc lộ rõ dấu hiệu dòng tiền đầu cơ suy yếu và chuyển sang phòng thủ. Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm mạnh, làm trầm trọng thêm xu hướng tiêu cực.

Ngược dòng, cổ phiếu nhóm xuất khẩu tăng tích cực, nhờ hưởng lợi từ diễn biến tỉ giá và triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường chủ lực.

Tổng giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt xấp xỉ 27.210 tỉ đồng, giảm hơn 10% so với tuần trước.

Đáng chú ý, hai phiên cuối cùng của tuần, ngay lúc thị trường lao dốc, khối tự doanh thuộc các công ty chứng khoán nhanh chóng nhảy vào mua ròng 207 tỉ đồng.

Nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước dồn dập "thoát hàng", khối ngoại cũng bán ròng 1.700 tỉ đồng cả tuần.

z4723477204191-e1d4b4dbe519e91e9bf85bad3c6600c9-1695570863.jpg
TOP 10 mã được khối tự doanh mua ròng trong phiên chốt tuần này - Nguồn: VND

Chiến lược giao dịch thời gian tới ra sao?

Theo sát diễn biến giao dịch, ông Đinh Quang Hinh - trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường của Chứng khoán VNDirect - cho biết chứng khoán Việt Nam bị bán tháo trong phiên cuối tuần đến từ diễn biến kém tích cực trên toàn cầu, cũng như tin đồn thất thiệt liên quan đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu, khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại đây là động thái thắt chặt tiền tệ.

"Tôi cho rằng bước đi này của Ngân hàng Nhà nước không phải nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là giải pháp tạm thời ngắn hạn, nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa, góp phần hạn chế đầu cơ tỉ giá", ông Hinh chia sẻ.

Dự báo diễn biến trong thời gian tới, chuyên gia VNDirect cho rằng thị trường sẽ được hỗ trợ khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đến gần, kỳ vọng tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước và so với mức âm nửa đầu năm nay.

Theo đó, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để tái cơ cấu danh mục đầu tư và nâng tỉ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN-Index về vùng hỗ trợ 1.170 - 1.180 điểm. Nên ưu tiên doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanh chuyển biến tích cực trong hai quý cuối năm như xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), bán lẻ và đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng).

Nằm trong đội ngũ phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ông Nguyễn Huy Phương nhận định về góc nhìn kỹ thuật, mặc dù những phiên tới thị trường có khả năng hồi phục, nhưng còn tiềm ẩn rủi ro. Do đó, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, cân nhắc đưa tỉ trọng danh mục cổ phiếu ở mức an toàn để phòng rủi ro.

Phía Chứng khoán SHS cho biết riêng nhà đầu tư trung, dài hạn đã giải ngân giai đoạn vừa qua từ chân sóng, có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại.

Theo Bông Mai/Tuổi trẻ