Chính sách tiền tệ phân kỳ và câu chuyện tỷ giá

29/08/2023 07:09

Nếu nhìn vào thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá trung tâm và giá bán ra tại Sở Giao dịch NHNN, sẽ thấy trùng khớp với thời điểm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) quyết định giảm lãi suất gần đây.

Nổi sóng

Thứ Ba tuần trước (ngày 15-8-2023), thị trường xôn xao khi NHNN niêm yết giá bán đô la Mỹ giao ngay tại Sở Giao dịch NHNN vượt mốc 25.025 đồng/đô la Mỹ, tuy nhiên đó chưa phải là mức giá bán đô la Mỹ giao ngay cao nhất từ trước đến nay vì xu hướng tăng không dừng lại sau đó. Cụ thể, trong hai phiên giao dịch kế tiếp, trong khi giá mua vào vẫn duy trì ở mức 23.400 đồng/đô la, giá bán ra tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất ở 25.098 đồng/đô la.

Như vậy, chỉ trong vòng bốn ngày từ 14-8 đến 17-8, giá bán đô la Mỹ của NHNN đã tăng tổng cộng 120 đồng, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nhìn sang tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng cũng thấy xu hướng tương tự khi đạt mức tăng 114 đồng trong cùng khoảng thời gian, để leo lên mức 23.951 đồng/đô la vào ngày 17-8, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại tuy nổi sóng mạnh hơn nhưng lại sớm hạ nhiệt. Cụ thể, giá niêm yết mua vào và bán ra tại Vietcombank sau khi tăng vọt 80 đồng trong ngày 14-8 và tăng vọt 150 đồng trong ngày 15-8, kể từ ngày 16-8 đến nay đã giảm trở lại, dù vẫn chưa về lại mức trước ngày 14-8.

Trên thị trường tự do, giá đô la Mỹ cũng tăng tổng cộng 200 đồng trong ba ngày 15, 16 và 17-8 trước khi giảm trở lại kể từ đó đến nay. Đáng lưu ý hiện giá mua vào đô la Mỹ tại Sở Giao dịch NHNN thấp hơn so với giá mua vào của các ngân hàng thương mại lẫn trên thị trường tự do, nhưng giá bán ra cao hơn đáng kể – cao hơn xấp xỉ 1.100 đồng/đô la.

Các chuyên gia phân tích: NHNN bắt đầu điều chỉnh giá bán đô la Mỹ giao ngay thay đổi theo ngày, cùng chiều với sự biến động của tỷ giá trung tâm kể từ cuối tháng 4-2023, trong khi vẫn giữ cố định giá mua đô la Mỹ giao ngay là 23.400 đồng/đô la.

Như vậy, có thể thấy NHNN đã sử dụng biện pháp can thiệp bán đô la Mỹ nhằm tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại mua bán với tỷ giá mới, giúp rút ngắn chênh lệch giá mua – bán đô la Mỹ giữa các ngân hàng thương mại và thị trường tự do. Qua đó, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, giảm áp lực tỷ giá, phù hợp với thị trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ vẫn khá dồi dào trong thời gian qua, sự nổi sóng trở lại của tỷ giá đã thu hút sự chú ý. Cụ thể, sau bảy tháng đầu năm 2023, Việt Nam đang ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa lên đến 15,2 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất của giai đoạn bảy tháng từ trước đến nay.

Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân bảy tháng qua đạt 11,58 tỉ đô la, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá trị đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên đến 4,14 tỉ đô la, tăng vọt 60,7% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động kiều hối và du lịch phục hồi thời gian qua cũng đóng góp đáng kể vào nguồn cung ngoại tệ.

Ảnh hưởng từ quốc tế và chính sách tiền tệ phân kỳ

Ảnh hưởng từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ trong cuộc họp vào tháng 7-2023, giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đã tăng trở lại kể từ giữa tháng 7 đến nay, với chỉ số USD Index tăng hơn 4% trong hơn một tháng qua, leo lên mức hơn 103,6 điểm tính đến cuối tuần qua (18-8). Đà tăng nhanh hơn diễn ra từ ngày 11 đến 17-8, nên rõ ràng đã phần nào tác động đến tình hình tỷ giá trong nước.

Ngoài ra, như nhiều phân tích đã chỉ ra, chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ và tiền đồng mở rộng trong thời gian qua có lẽ đã làm tăng nhu cầu nắm giữ và lướt sóng đô la Mỹ ở thị trường trong nước, khi chính sách tiền tệ của Việt Nam đã sớm nới lỏng trở lại còn các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn đang duy trì sự thắt chặt.

Cập nhật đến tuần thứ 2 của tháng 8, lãi suất vay mượn đô la Mỹ trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đang cao hơn 4,83 điểm phần trăm so với lãi suất tiền đồng, kỳ hạn 1-2 tuần tương ứng cao hơn 4,63 và 4,56 điểm phần trăm, còn kỳ hạn 1 tháng cao hơn 3,49 điểm phần trăm. Đây là mức chênh lệch khá lớn trong nhiều năm trở lại đây.

Việc tăng trưởng tín dụng vẫn trì trệ, khi số liệu gần nhất cho thấy dư nợ tín dụng trong tháng 7 bất ngờ giảm so với tháng 6, khiến thanh khoản của các ngân hàng tiếp tục dồi dào dù đã liên tục giảm lãi suất huy động gần đây, dẫn đến một số ngân hàng có thể chuyển lượng vốn tiền đồng dư thừa sang đô la Mỹ và cho vay trên thị trường liên ngân hàng để hưởng chênh lệch lãi suất và kỳ vọng vào xu hướng tăng giá của đô la Mỹ.

Dù vậy, thực tế những yếu tố tác động này là không mới, vì vậy có lẽ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến chính sách tăng tỷ giá mạnh tay của nhà điều hành trong tuần trước. Nếu nhìn vào thời điểm NHNN quyết định điều chỉnh tăng mạnh tỷ giá trung tâm và giá bán ra tại Sở Giao dịch NHNN, sẽ thấy trùng khớp với thời điểm PBoC quyết định giảm lãi suất gần đây.

Cụ thể, trong ngày 15-8, PBoC bất ngờ giảm lãi suất 15 điểm cơ bản với các khoản vay kỳ hạn 1 năm (còn được gọi là cơ chế cho vay trung hạn – MLF), từ 2,65% xuống 2,5%/năm, đánh dấu lần giảm thứ 2 trong ba tháng gần đây và cũng cho thấy xu hướng phân kỳ so với các ngân hàng trung ương lớn khác. Được biết MLF là khoản vay mà PBoC cấp cho một số tổ chức tín dụng đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan này, do đó việc hạ lãi suất sẽ giúp duy trì thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng nước này.

Đây là một động thái bất ngờ vì trước đó hầu hết chuyên gia đều nghĩ rằng PBoC sẽ giữ nguyên lãi suất. Đối với lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày, PBoC cũng giảm 10 điểm cơ bản xuống 1,8%/năm. Trước đó, PBoC đã giảm 10 điểm cơ bản với lãi suất MLF. Các khoản cho vay ngân hàng đã giảm xuống mức đáy 14 năm trong tháng 7-2023, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) đồng loạt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020. Điều này cho thấy tín hiệu về khả năng kinh tế Trung Quốc giảm phát.

Thực tế sau động thái giảm lãi suất mạnh nhất kể từ năm 2020 của PBoC nhằm vực dậy nền kinh tế đang chao đảo vì thị trường bất động sản, cả đồng nhân dân tệ và lợi suất trái phiếu Trung Quốc đều đi xuống. Số liệu cho thấy nhân dân tệ đã mất giá so với đô la Mỹ hơn 3% chỉ trong hơn nửa đầu tháng 8, nâng tốc độ mất giá từ tháng 3 đến nay lên hơn 7,6%, là một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất trong khu vực.

Là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chính sách tiền tệ, nhất là chính sách tỷ giá của Trung Quốc, có những tác động đáng kể lên chính sách của Việt Nam. Hiện nay cơ chế tỷ giá trung tâm của Việt Nam được neo vào diễn biến đồng bản tệ của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu…

Trong khi nhân dân tệ mất giá mạnh như vậy trong thời gian qua thì tiền đồng chỉ mất giá rất thấp, cụ thể tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng chỉ tăng 1,4% so với đầu năm nay, còn giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do chỉ tăng xấp xỉ 1% trong thời gian gần đây.

Trước những lo ngại về áp lực lạm phát từ cuối năm ngoái đến những tháng đầu năm nay, dễ hiểu vì sao nhà điều hành khá thận trọng với chính sách điều hành tỷ giá, theo hướng nỗ lực giữ đồng nội tệ ổn định. Tuy nhiên, điều này vô hình trung khiến tiền đồng đã tăng giá hơn 3,2% so với nhân dân tệ kể từ đầu năm đến nay, phần nào ảnh hưởng lên hoạt động giao thương với nền kinh tế lớn số 2 thế giới này.

Vì vậy, trước việc Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua giảm lãi suất và kéo nhân dân tệ đi xuống, Việt Nam có thể sử dụng chính sách tỷ giá linh hoạt hơn để ứng phó với diễn biến này, trong bối cảnh dư địa tiếp tục giảm lãi suất đang có những hạn chế nhất định.

Một số ý kiến cho rằng sóng tỷ giá lần này chỉ mang tính chất ngắn hạn, Việt Nam với nguồn cung ngoại tệ kỳ vọng tiếp tục tích cực trong nửa cuối năm nay sẽ giúp hỗ trợ tỷ giá. Tuy nhiên, có lẽ cần phải quan sát thêm chính sách tiền tệ của cả Fed và PBoC.

Trong khi Fed được dự báo sẽ sớm ngừng tăng lãi suất, giới phân tích dự báo PBoC còn có thể nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong vài tháng tới, trước những lo ngại về viễn cảnh ngày càng xấu của kinh tế Trung Quốc, nhất là ở thị trường bất động sản. Khi đó, nếu hoạt động thương mại của Việt Nam bị tác động tiêu cực, lựa chọn để tiền đồng mất giá nhiều hơn có thể cần được xem xét.

 

Theo Triệu Minh/Vietstock
Bạn đang đọc bài viết "Chính sách tiền tệ phân kỳ và câu chuyện tỷ giá" tại chuyên mục Tài chính.